November 23, 2022 | 14:24 GMT+7

Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo

Chu Khôi -

Trong 5 năm qua, bên cạnh việc hoằng dường chánh pháp độ sinh, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo với tổng giá trị hơn 7.000 tỷ đồng…

Công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp giáo hội thực hiện thường xuyên, liên tục.
Công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp giáo hội thực hiện thường xuyên, liên tục.

Chiều 23/11/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp báo về việc tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Hòa Thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng Ban Thông tin truyền thông của Giáo hội cho biết hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) vừa qua đã diễn ra trong bối cảnh phần lớn thời gian nhiệm kỳ phải đối diện với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 - 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Cùng với đó, công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp giáo hội thực hiện thường xuyên, liên tục. Tổng giá trị từ thiện xã hội được các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện trong 5 năm qua lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.  

Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo - Ảnh 1

"Công tác ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, có hiệu quả thiết thực chung tay thực hiện tốt sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước", Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội đã đào tạo được 194 Tăng Ni tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học; đã có 2.156 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học hệ chính quy; 842 Cử nhân Phật học hệ Đào tạo từ xa; hệ Cao đẳng Phật học đã có 689 Tăng Ni sinh tốt nghiệp; hệ Trung cấp Phật học đã có 1.246 Tăng Ni sinh tốt nghiệp tại 34 Trường Trung cấp Phật học trong cả nước.

Giáo hội đã nghiệm thu và cho triển khai các thành tựu của 4 đề án lớn về văn hóa Phật giáo: Pháp phục Phật giáo Việt Nam; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam; Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam; Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thành tựu của các đề án này làm cơ sở khoa học để đưa ra được hệ giá trị bất biến trong văn hóa Phật giáo Việt Nam và truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đưa vào đó dấu ấn của thời đại.

Kinh sách Phật giáo đã được dịch ra tiếng Việt, ngôn ngữ Việt hóa phù hợp và dễ hiểu cho Phật tử và những người yêu mến đạo Phật, tập hợp hình thành bộ kinh tụng chung cho tất cả Tăng Ni toàn Giáo hội trong nghi thức đại lễ quốc gia.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra vào ngày 28 – 29/11/2022 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.091 đại biểu. Cùng với các Chư tôn đức Tăng ni, Phật tử, khách mời của Giáo hội gồm đại biểu khách quý lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu các Ban, Bộ ngành Trung ương, và các địa phương; đại biểu chức sắc các tổ chức tôn giáo bạn.

Với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội lần thứ IX, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; Suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; Nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội…

Đại hội nhiệm kỳ 2022-2027, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động để thực hiện thành công nhiều mục tiêu. Trong đó, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp và tương thích với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, không ngừng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Kêu gọi Tăng Ni, tín đồ Phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội. Lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate