Triển khai Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050; trên cơ sở nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh tại Quyết định số 2215/QĐ-BTVT ngày 27/11/2020 và giao cho Ban Quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư dự án.
HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT CHƯA ĐỒNG BỘ KHIẾN THỊ PHẦN GIẢM SÚT
Quá trình chuẩn bị, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và tỉnh Quảng Bình khẩn trương triển khai các công việc của dự án.
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, cho biết hệ thống đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài khoảng 3.143km, trong đó tuyến đường sắt Thống Nhất là trục xương sống với chiều dài 1.726km.
Tuy nhiên, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ, năng lực hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Do đó, thị phần vận tải ngày càng bị giảm sút, chưa tương xứng với lợi thế của phương thức này.
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ ngành, tích cực làm việc với các nhà tài trợ để huy động nguồn lực đầu tư các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng gia thông đường sắt.
Đến nay, hai dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện và cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét đã hoàn thành thủ tục để đầu tư. Việc hoàn thành các dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến đường sắt thống nhất khu đoạn Vinh - Đồng Hới.
"Bộ Giao thông vận tải rất mong Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải mong đợi.
Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, với kinh nghiệm sở trường làm hầm đường bộ, đúc kết bài học trong công tác quản trị dự án, đơn vị sẽ ứng dụng cải tiến phương pháp thi công, cam kết đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.
HOÀN THÀNH DỰ ÁN NĂM 2025
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét có tổng chiều dài 6.790m, điểm đầu tại Km 413+700 thuộc địa phận xã Hương Hoá, điểm cuối Km 420+490 thuộc địa phận xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Dự án có tổng mức đầu tư là 2.010,707 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Về quy mô dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết thứ nhất, về công trình tuyến, dự án sẽ nâng cấp cải tạo 2.422m đường sắt; cải dịch tuyến mới 4.369m đường sắt.
Thứ hai, về công trình ga, cải tạo, đặt thêm đường số 3 tại ga Đồng Chuối đảm bảo chiều dài dùng được Ldđ ≥ 400m.
Thứ ba, cải tạo 02 cầu (với tổng chiều dài 117,61m), xây dựng mới 03 cầu (với tổng chiều dài 789,6m).
Thứ tư, về công trình hầm, sẽ xây dựng mới 02 hầm (hầm số 01 dài 580m; hầm số 02 dài 355m); cải dịch đường bộ Quốc lộ 15 khoảng 350m; hệ thống thông tin cáp quang, tổng đài điện tử số; tín hiệu điện khí tập trung, sử dụng liên khóa điện tử, đóng đường bán tự động, ghi động cơ, phát hiện đoàn tầu bằng đếm trục.
Dự án gồm 2 gói thầu, gói XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng, do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 620m, hầm 2 dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.
Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có theo định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.