September 09, 2021 | 22:10 GMT+7

Phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19”

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

9 giờ ngày 10/9, Phiên hiến kế với chủ đề: “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng VnEconomy và FanPage VnEconomy...

Kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi Covid-19 là mục tiêu căn bản, thống nhất và kiên định của Việt Nam. Với mục tiêu này, gần 2 năm qua Việt Nam đã thực thi nhiều giải pháp ứng phó với diễn biến thực tế của dịch bệnh. Ba lần bùng phát dịch bệnh trong năm 2020, Việt Nam đã ngăn chặn và khống chế thành công, là điểm sáng hiếm hoi của thế giới về phòng chống dịch bệnh và thành công trong việc giữ được nền kinh tế tăng trưởng dương. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần thứ 4, kéo dài với diễn biến phức tạp, nhiều biến chủng nguy hiểm cấp độ cao, tốc độ lây lan mạnh tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã gây những thiệt hại đáng kể cả về người và kinh tế Việt Nam.

Trước diễn biến dai dẳng của dịch bệnh, cùng với tiến trình vaccine đang được đẩy mạnh tại các vùng bùng phát dịch và nguy cơ cao, xét theo xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam thay đổi cách tiếp cận và chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay và trong giai đoạn tới. Đó chính là Chủ động thích ứng và sống chung an toàn lâu dài với Covid-19.

Với cách tiếp cận mới này đòi hỏi tính chủ động của người dân và doanh nghiệp cao hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, nhằm giúp các doanh nghiệp định hình và xây dựng kế hoạch hành động để chủ động thích ứng và sống chung an toàn lâu dài với Covid-19, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức phiên hiến kế với chủ đề "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19", theo hình thức trực tuyến trên nền tảng VnEconomy và FanPage VnEconomy. Đây cũng là một trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức.

Phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” - Ảnh 1

Trên cơ sở bám sát thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình dịch tễ đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia trao đổi và hiến kế các giải pháp cấp bách và lâu dài. Các giải pháp sẽ tập trung vào ba nhóm giải pháp sau:

Một là, nhóm giải pháp phòng dịch tại nơi làm việc để thúc đẩy và đảm bảo an toàn hoạt động lao động sản xuất.

Hai là, nhóm giải pháp về lưu chuyển hàng hóa an toàn.

Ba là, nhóm giải pháp về các biện pháp can thiệp hành chính quản lý của chính quyền các cấp về công tác phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tham gia Phiên thảo luận sẽ có chuyên gia kinh tế, chuyên gia y tế và dịch tễ, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp.

  • Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng;
  • TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam;
  • Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y;
  • Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean;
  • Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam;
  • Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10;
  • Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa;
  • Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam và  Nhà báo Nguyễn Hương sẽ điều hành toạ đàm.

Nội dung phiên hiến kế sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9h00 ngày 10/9 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy.

Cùng với đó, toàn bộ nội dung tọa đàm cũng được thể hiện trên chuyên mục Tiêu điểm của số 62 (6170) Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát hành ngày 12/9/2021 và cập nhật trên VnEconomy.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate