Theo Thủ tướng, biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại; là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, biển và đại dương của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có như cướp biển, buôn lậu; những hành động đơn phương vi phạm pháp luật quốc tế; biến đổi khí hậu; việc khai thái tài nguyên biển quá mức; hệ sinh thái, môi trường biển bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là rác thải nhựa, thậm chí rác thải nhựa còn xuất hiện trong loài cá sống sâu nhất của đại dương...
"Điều đó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại, có thể đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, dân tộc và cộng đồng dân cư. Và đã bao lần đại dương 'nổi giận' vì cách cư xử của loài người, bao loài sinh vật biển quý hiếm đã vĩnh viễn bỏ chúng ta ra đi mãi mãi, và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, nhiều loài sẽ tiếp tục biến mất nếu chúng ta không hành động kịp thời", Thủ tướng chỉ ra.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc, mọi cộng đồng và mỗi người dân cần nhận thức và hành động đúng đắn vì đại dương xanh, vì an toàn, hòa bình và phát triển bền vững.
Thứ nhất, khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.
Thứ hai, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp, chính đáng của các quốc gia.
Thứ ba, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển. Tuân thủ quy định về các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên, các nguyên tắc của Quy chuẩn ứng xử cho nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng nêu rõ, là một quốc gia biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng, nỗ lực hành động, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; chủ động tham gia các cơ chế song phương và đa phương; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về biển và đại dương.
"Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; cắt giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp và công ước quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước khác", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về biển và đại dương của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển trên thế giới. Đồng thời, ông khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phần bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.