March 06, 2024 | 10:29 GMT+7

Sản phẩm OCOP vẽ lại bản đồ đặc sản các địa phương

Tuệ Mỹ -

Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, nhiều cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản OCOP đã “ngập” trong đơn hàng quà Tết. Những thực phẩm mang đặc trưng địa phương được ưa chuộng để biếu tặng cho người thân và bạn bè...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương, mang đặc trưng truyền thống văn hóa của một vùng đất cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Người dân trong quá trình mua sắm sản phẩm sẽ có thêm thông tin về những điểm đặc biệt từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và thậm chí là cả giá trị văn hóa tinh thần.

KHI ĐẶC SẢN ĐƯỢC “NÂNG TẦM” CHẤT LƯỢNG

Nói riêng trong lĩnh vực nông sản – thực phẩm, một trong những tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP là phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Đây cũng là một trong những thế mạnh của dòng sản phẩm này. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang (huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện cho biết, sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP 3 sao. Để kiểm soát chất lượng quả bưởi, hợp tác xã đã sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm bưởi Diễn Đức Hậu Lưu Quang đều được chọn lọc kỹ, đóng trong túi lưới với trọng lượng quả từ 800g đến 1.200g, có dán tem truy xuất nguồn gốc.

Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) Đinh Thị Hải Yến cho biết, để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm: Giò, chả, nem OCOP, công ty đã chú trọng từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Để tăng độ tin cậy, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở đã đầu tư mua sắm thêm nhiều loại máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất, như: máy xay thịt công suất lớn, lò hấp cách thủy, tủ làm lạnh, máy hút chân không... để sản phẩm giữ được màu sắc, hương vị, tránh hư hỏng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ tự nhiên nên sản phẩm khi thu hoạch đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ tự nhiên nên sản phẩm khi thu hoạch đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Mới đây, sản phẩm sấu tươi giòn của hộ kinh doanh cá thể Quyến Lưu, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở sản xuất, cho biết: Cơ sở xây dựng quy trình sản xuất, hướng dẫn các hộ dân trồng sấu kỹ thuật chăm sóc đến thu hoạch, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người dân. Sản lượng sấu sau khi thu mua về được cơ sở phân loại, sơ chế, chế biến, hoàn thiện bao bì và tiêu thụ tại một số đại lý trong và ngoài tỉnh. Việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp cơ sở của gia đình bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc xây dựng chuỗi liên kết góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân.
Việc xây dựng chuỗi liên kết góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân.

Trong khi đó, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (huyện Khoái Châu) chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ nghệ như: Bột nghệ, sữa nghệ, nanocurumin, tinh bột nghệ… Công ty có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng ba sao, bốn sao. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty cho biết công ty chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn từ nguyên liệu đến thành phẩm.

"Việc xây dựng chuỗi liên kết góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân. Vùng sản xuất nghệ của công ty và các hộ dân liên kết được khảo sát, đánh giá chất lượng nước, đất; quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để đáp ứng điều kiện xuất khẩu bột nghệ sang một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc…,” ông Đông nói.

MỞ RỘNG KÊNH TIÊU THỤ

Có thể nói, chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các đặc sản truyền thống có lợi thế của tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Hiện tại, các sản phẩm này đã được kết nối vào hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+… Bên cạnh đó, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Ngoài ra, tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, tại các khu vực bán hàng tại các sân bay, khu du lịch đã có các khu vực, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần phục vụ ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu cho địa phương. Tuy vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp còn thấp… Vì vậy, chưa phát huy được hết giá trị của sản phẩm, cũng như lan tỏa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của địa phương tới nhiều khu vực thị trường.

Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” mới đây, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đồng thời đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP), Quảng Ninh (30 điểm), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)…

Người dân có thêm những lựa chọn sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng hàng ngày.
Người dân có thêm những lựa chọn sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng hàng ngày.

Còn theo ông Hoàng Hoa Quân, Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám phá các vùng quê, đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP. Song ông nhấn mạnh, khách du lịch cần có được trải nghiệm và chứng kiến cách làm các sản phẩm đặc trưng vùng miền của địa phương. Tuy nhiên, dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng nhu cầu được sử dụng sản phẩm OCOP của người tiêu dùng là có thật, nhưng để phân biệt đâu là sản phẩm OCOP đã được chứng nhận và sản phẩm “OCOP nhái” là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, nếu các sản phẩm OCOP này được mở rộng tiêu thụ hơn nữa tại các chợ truyền thống trên cả nước, thì không những tăng được thu nhập cho bà con nông dân, làm tăng giá trị sản phẩm  OCOP mà còn là một kênh để quảng bá sản phẩm OCOP đi khắp muôn nơi. Điều quan trọng là người dân sẽ có thêm những lựa chọn sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng hàng ngày.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate