Ngày 7/5, tỉnh Đồng Tháp vừa công bố xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông đầu tiên sang thị trường Nhật. Dự kiến trong năm 2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt sẽ xuất khẩu cho đối tác Nhật Bản khoảng 8 container củ sen, tổng giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, cho biết hiện nay, ngoài các sản phẩm hạt sen tươi và hạt sen chế biến, công ty còn phát triển thêm các dòng sản phẩm củ sen tươi, củ sen chế biến cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Công ty cũng đang xúc tiến với các đối tác ở Hàn Quốc để chuẩn bị đưa sản phẩm từ sen xuất khẩu sang nước này.
Sen là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông.... Đặc biệt, Tháp Mười là địa phương chiếm hơn 30% diện tích sen của cả tỉnh (tương đương 525ha). Theo thống kê, năm 2023 nông dân trồng sen của tỉnh có lợi nhuận bình quân hơn 28 triệu đồng/ha.
Hiện, Đồng Tháp có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen; 56 sản phẩm OCOP làm từ sen (30 sản phẩm OCOP 3 sao, 25 sản phẩm OCOP 4 sao và 01 sản phẩm OCOP 5 sao); 4 sản phẩm từ sen được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Made in Dong Tháp”.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn tập trung xây dựng xác nhận cấp mã vùng trồng sen để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ. “Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý Đồng Tháp cho sản phẩm sen”, dự kiến nghiệm thu trong tháng 6/2024”, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Thực tế, từ năm 2017, Đồng Tháp đã tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn khẩu hiệu "Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen"; thiết lập bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu "Đất Sen hồng" qua hình ảnh "Bé Sen"; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu "Sen Tháp Mười"... Đồng Tháp định hướng phát triển bền vững ngành hàng sen, hướng đến chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đặc trưng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Du lịch, ẩm thực sen từng là mô hình du lịch sinh thái đầu tiên của Đồng Tháp, hiện đang được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.
Ông Đinh Công Phủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết huyện đang phát huy thế mạnh cây sen kết hợp sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với cây sen. Qua đó, việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: Trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy...
Điển hình như Dược sĩ Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Thu ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen. sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên. Bên cạnh sản phẩm trà lá sen đặc trưng, anh Huy còn nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ sen như: trà hoa sen, nhang sen, rượu sen, thực phẩm chức năng từ sen... hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Hay như sản phẩm OCOP từ sen của Hợp tác xã (HTX) Sen Việt ở thành phố Cao Lãnh, nhiều năm qua đã góp phần đưa cây sen và các sản phẩm từ sen của tỉnh Đồng Tháp gia tăng giá trị. HTX tập trung vào sản xuất 3 sản phẩm chủ lực như “trà tâm sen Tâm An”, “trà lá sen Thanh An” và sản phẩm bột sữa sen của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện những sản phẩm từ sen được tiêu thụ mạnh ở trong nước và cũng đang “dọn đường” để xuất khẩu ra các nước châu Á.
Hiện tỉnh Đồng Tháp đang nghiên cứu lai tạo những giống sen mới, chuyên biệt cho các mục đích trồng lấy hoa, lấy hạt, lấy lá hoặc lấy ngó, bước đầu cho kết quả khả quan. Mới đây, ở sự kiện "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023", nhiều sản phẩm như sen sấy, trà sen ướp trên cánh đồng của các doanh nghiệp Đồng Tháp đã gây ấn tượng, được khách hàng quan tâm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, trồng sen mang lại lợi nhuận 36 - 40 triệu đồng/ha mỗi năm, cao gấp 3 lần trồng lúa. Không chỉ vậy, mô hình trồng sen hữu cơ còn góp phần giúp bảo vệ môi trường, cân bằng và đa dạng sinh học. Anh Huỳnh Văn Cường, một nông dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tâm sự, các sản phẩm từ sen đều phục vụ nhu cầu tương đối cao cấp của khách hàng như trang trí, dược liệu hay ẩm thực. Hơn nữa những cánh đồng sen quy mô đều thường có khách đến tham quan.
Vì vậy, theo anh Cường, việc trồng sen phải hạn chế hết sức các loại phân thuốc hóa học, canh tác hữu cơ được ưu tiên. "Canh tác hữu cơ, khách đến thăm đồng sen sẽ được thoải mái hít thở không khí trong lành, thơm ngát. Khách cũng sẽ an tâm thưởng thức những món ăn từ sen, hay tôm cá bắt ngay trong ruộng sen. Hơn nữa, sản phẩm từ những ruộng sen sạch được doanh nghiệp ưa chuộng, mua với mức giá tốt. Chúng tôi cũng nhận thấy đây là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững", anh Cường nói.
Anh Lê Văn Bo, nông dân trồng sen ở huyện Cao Lãnh, cho biết trước đây anh chỉ trồng sen lấy gương và hoa. Nhưng trước những nhu cầu khác nhau của thị trường, anh đang thử nghiệm trồng nhiều loại sen, chuyên biệt cho các mục đích như lấy lá, lấy hoa, lấy ngó… Tương tự, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở huyện Cao Lãnh đã nghiên cứu, làm ra các sản phẩm hoa sen sấy khô, tranh lá sen, hay lụa tơ sen, nâng cao hàng trăm lần giá trị nguyên liệu.
Theo các doanh nghiệp chế biến ngành hàng sen ở Đồng Tháp, tín hiệu thị trường đối với mặt hàng này rất khả quan, đặc biệt là thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đang tiến hành mở rộng vùng nguyên liệu, cải tiến sản phẩm để đáp ứng thị hiếu trong và ngoài nước. Kế hoạch đến năm 2025, Tháp Mười sẽ có trên 1.000 ha ruộng sen canh tác theo hướng tập trung, hữu cơ, hiện đại.
Sắp tới, Lễ hội sen tỉnh Đồng Tháp lần thứ 2 cũng sẽ được tổ chức vào dịp sinh nhật Bác Hồ, nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp. Lễ hội sen lần thứ 2 bao gồm 28 hoạt động, trong đó nổi bật là hội thảo quốc tế về sen; hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp; tổ chức không gian trưng bày sen quốc tế; hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen; hội thi thời trang sen; tour du lịch trải nghiệm sen…