Đóng góp vào kết quả chung trong 4 tháng đầu năm 2024, nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt gần 11 tỷ USD, tăng 32,5%; sản phẩm chăn nuôi đạt 152 triệu USD, tăng 3,6%; thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 4,2%; gỗ và lâm sản đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
NHIỀU MẶT HÀNG NÔNG SẢN CHÍNH TĂNG TRƯỞNG CAO
Về từng mặt hàng cụ thể trong nhóm nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; thứ hai là Indonesia, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
"Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 7%".
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp 0,75 triệu tấn. Tuy nhiên, với kết quả xuất khẩu 4 tháng vừa qua (cao nhất tính trong 4 tháng đầu năm từ trước tới nay), nếu cả năm vẫn duy trì 750 nghìn tấn/tháng thì dư địa thị trường xuất khẩu có thể lên tới 9 triệu tấn gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đưa ra dự báo khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 chắc chắn sẽ vượt 4,5 triệu tấn. Do đó, lượng gạo hàng hóa cần cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu này, có thể các doanh nghiệp sẽ phải nhập thêm gạo từ Campuchia để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 5 tỷ USD.
Cùng với cà phê và lúa gạo, rau quả cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…
XUẤT KHẨU GỖ VÀ ĐỒ GỖ CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đã lấy lại được đà tăng trưởng khi trong 4 tháng đầu năm đã đạt kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cuối năm 2023, chúng tôi từng dự đoán rằng khi thị trường xuống đáy thì sẽ là đáy chữ U và nằm “bẹt” trong vài ba năm, sau đó mới tăng trưởng trở lại. Thế nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã lấy lại được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp, số lượng đơn đặt hàng đã tăng trở lại, lượng hàng tồn kho đã giảm đáng kể. Ngoài ra, thời gian đặt hàng và giao hàng đã được rút ngắn nhằm tránh những rủi ro khi có biến động về giá cả và chi phí vận chuyển”, ông Hoài chia sẻ.
Trong điều kiện rất khó khăn bởi xung đột quân sự, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn mà mặt hàng gỗ và sản phẩm vẫn tăng kim ngạch là tín hiệu tích cực. Từ kết quả khả quan này, ngành gỗ đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 sẽ đạt khoảng 17,5 tỷ USD.
Nhận định về cơ hội mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng dư địa vẫn còn lớn, đặc biệt đối với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là đồ nội thất bằng gỗ. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2019 – 2022, thị trường đồ nội thất (mã HS 94) thế giới đạt trung bình 553 tỷ USD/năm; trong đó nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 75 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 10% thị phần. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được Việt Nam phê chuẩn tiếp tục là động lực và cơ hội thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng.
MỞ RA CƠ HỘI CHO SẢN PHẨM MỚI
Trong số các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường có mức tăng trưởng khả quan nhất, khi chiếm tới 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2024 phát hành ngày 06/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam