Sáng ngày 07/5, tại huyện Tháp Mười, Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp và doanh nghiệp đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô Sen sang thị trường Nhật Bản là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024.
Tháng 7/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ, với diện tích 03 ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Bước đầu đã có những thành công nhất định, cung cấp nguồn nguyên liệu củ sen chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Theo đại diện Hội ngành hàng sen Đồng Tháp, hiện thị trường Nhật Bản, Trung Quốc đang có nhu cầu về củ sen rất lớn, trong khi đó, tại Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực phần lớn diện tích là trồng sen lấy hạt.
Thị trường Nhật Bản được đánh giá là khó tính, các tiêu chuẩn rất khắt khe. Qua nhiều lần đàm phán và gửi mẫu, doanh nghiệp tại Đồng Tháp đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu củ sen đông lạnh sang Nhật Bản theo công nghệ IQF.
Cùng với lô hàng xuất khẩu tại buổi lễ công bố (khoảng 15 tấn, trị giá gần 01 tỷ đồng), dự kiến trong năm 2024 này, một doanh nghiệp tại Đồng Tháp sẽ xuất khẩu thêm cho đối tác Nhật Bản khoảng 08 container, với giá trị đơn hàng gần 07 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu được thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, cho rằng, xuất khẩu lô hàng sen lần này đã ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho Sen Đồng Tháp thâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.
"Đây là niềm phấn khởi và tự hào của người dân trồng sen Đồng Tháp nói chung, huyện Tháp Mười nói riêng", ông Đoàn Thanh Bình nhấn mạnh. Song để phát triển bền vững ngành hàng sen trong thời gian tới, rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là các hộ nông dân trồng sen cần duy trì sản xuất sen đảm bảo chất lượng; liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu. Để từ kết quả hôm nay, sản lượng sen nói riêng và mặt hàng nông sản khác của địa phương sẽ được tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản một cách bền vững.
Được biết, hiện nay, diện tích trồng sen ở Đồng Tháp khoảng 1.800ha, trong đó có khoảng 100ha sen hữu cơ, cơ giới hóa hoàn toàn. Huyện Tháp Mười diện tích lớn nhất với 500ha, còn lại tập trung ở các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Tam Nông, Lấp Vò.
Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp chế biến với 120 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm. Trong đó 54 sản phẩm OCOP, một sản phẩm OCOP 5 sao.