Mới bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm đẩy mạnh. Tận dụng các lợi thế cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, ngành du lịch địa phương đang triển khai, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ liên kết chăm sóc sức khỏe chất lượng hướng đến đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng cao, từ đó, tạo nên sự khác biệt, đẳng cấp cho ngành Du lịch Cố đô Huế.
NHỮNG BƯỚC ĐI KHỞI ĐẦU
Dù là một lĩnh vực mới, một số cơ sở y tế, lưu trú trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe hấp dẫn để lại dấu ấn ban đầu và nhận được phản hồi tích cực từ bộ phận du khách. Bệnh viện Quốc tế Huế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) đã đi đầu trong xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất và các quy chế tương đối hoàn chỉnh liên quan đến khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, mang tính chất đột phá và đón đầu mô hình du lịch y tế.
Lượng khách đến khám, chữa bệnh tăng qua các năm, rất nhiều du khách đến từ Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực. Thành công bước đầu của mô hình này rất đáng phấn khởi và cần được nhân rộng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như yoga, bấm huyệt, nắn xương khớp, thủy trị liệu, massage, tắm hơi… cũng không còn xa lạ ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn tại Thừa Thiên - Huế.
Hầu hết các liệu pháp này được xây dựng dựa trên những tiềm năng riêng có của địa phương như nguồn suối khoáng nóng, hệ thống cây dược liệu dồi dào… Chẳng hạn, khu nghỉ dưỡng Mỹ An Onsen Resort khai thác nguồn khoáng nóng thiên nhiên ban tặng kết hợp phong cách Omotenashi đặc trưng Nhật Bản. Hay Alba Wellness Resort by Fusion tích hợp đa tiện ích: nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe giữa thiên nhiên nguyên bản, làm đẹp và trẻ hóa cơ thể bằng các hoạt động tắm Onsen, thiền, yoga, spa trị liệu.
Thừa Thiên Huế cũng có dãy núi Bạch Mã xứng đáng để trở thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế với những địa chỉ được người Pháp phát hiện và xây dựng cách nay hơn 100 năm. Bên cạnh đó là hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng ở những không gian yên bình ven hai bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, để du khách dễ dàng hòa mình với thiên nhiên, thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh như: Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon, Lăng Cô Beach; Làng hành hương, Hue Riverside Boutique, Hue Ecolodge...
Là kinh đô của triều Nguyễn, Huế có Thái Y viện - cơ quan y tế cấp trung ương hình thành từ thời vua Gia Long và hoàn chỉnh dưới thời vua Minh Mạng. Thái Y viện có tổ chức quy mô và hoạt động nghiêm cẩn. Nhiệm vụ chính của Thái Y viện là chăm sóc sức khỏe cho Vua, Hoàng gia và nội cung, tư vấn cho Thượng thiện sở (bếp của hoàng cung) khi chế biến thức ăn cho Vua cùng Hoàng gia... Thái Y viện triều Nguyễn là một di sản độc đáo, hiện đang từng bước được phục hồi và phát huy giá trị. Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý xem Thái Y viện như là một địa chỉ, một sản phẩm văn hóa tinh thần riêng có của Huế, phù hợp với mô hình gắn kết du lịch với khám, chữa bệnh.
Tại Thừa Thiên Huế còn có Bệnh viện Y học cổ truyền cùng các trung tâm đào tạo ứng dụng y học cổ truyền như: Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức... Và hầu hết các trung tâm y tế trong tỉnh đã thành lập khoa Y học cổ truyền, các trạm y tế đều triển khai khám, chữa bệnh bằng châm cứu, dùng thuốc nam dược cổ truyền, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Ngay trong nội đô Huế cũng có hệ thống khách sạn kết hợp lưu trú và dịch vụ khám, chữa bệnh theo Đông y cổ truyền.
NHIỀU TRẢI NGHIỆM KHÁC BIỆT
Nằm trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của Lễ hội mùa Đông với chủ đề "Mùa Đông xứ Huế" trong khuôn khổ Festival Bốn mùa - Festival Huế 2023, chương trình “Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khoẻ - Wellness Tourism Weekend” sẽ được Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố Huế (số 23 - 25 đường Lê Lợi) từ ngày 15-17/12/2023.
Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, điểm nhấn của “Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khoẻ - Wellness Tourism Weekend” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho người dân cũng như khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với cố đô Huế. Sẽ có các hoạt động giới thiệu sản phẩm gắn với sức khỏe như: ẩm thực dinh dưỡng, thiền và trà; dịch vụ spa và thăm khám, tư vấn sức khỏe theo hình thức truyền thống và hiện đại (miễn phí cho du khách và nhân dân đến tham quan); triển lãm các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ...
Trong khuôn khổ chương trình, sẽ có hoạt động giới thiệu, quảng diễn về phương pháp sơ thiền và yoga, buổi Talkshow về thực dưỡng - giới thiệu bữa ăn dinh dưỡng khoẻ mạnh tăng miễn dịch, Talkshow và quảng diễn về Nghệ thuật thưởng trà của người dân Huế, Talkshow “Đông y và chữa bệnh bằng phương pháp Cung đình” do các nghệ nhân, chuyên gia trong ngành phụ trách. Ngoài ra, còn có hoạt động cho đoàn Famtrip khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch kết hợp chữa bệnh dành cho các đoàn lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Nhân dịp này, một số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có chương trình khuyến mãi đặc biệt áp dụng trong dịp này và kéo dài đến hết tháng 12. Chương trình cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch giới thiệu sản phẩm cũng như liên kết các thành phần kinh tế cùng tham gia tạo ra sản phẩm du lịch đặc biệt chăm sóc sức khỏe cho tỉnh Thừa Thiên Huế; đưa du lịch chăm sóc sức khỏe ở Huế lên một tầm cao mới, quy mô, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, chương trình giúp du khách có cơ hội trải nghiệm về sự đa dạng của sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Huế, qua đó góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu cũng như thu hút du khách quay trở lại địa phương với nhiều trải nghiệm khác biệt. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho hay, tỉnh đang chú trọng quảng bá các lợi thế du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm thu hút du khách và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án du lịch; trong đó, có mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo các mô hình thực sự đẳng cấp để tạo thương hiệu khác biệt cho Thừa Thiên - Huế.
Phát triển được loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đó là định hình lại thị trường du lịch trong bối cảnh mới; nâng cao tay nghề cho đội ngũ chuyên môn; nâng tầm chuyên môn hóa và công nghiệp của ngành dịch vụ. Từ đó, tăng nguồn thu bền vững và nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch trong tổng thể chung của nền kinh tế địa phương.