Vụ Dự báo, Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố kết quả của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 6/2022.
Kết quả điều tra cho thấy, về nhu cầu tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay có cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2021 và cùng kỳ các năm 2020-2021. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực.
Nhìn chung, các tổ chức tín dụng giữ nguyên mức kỳ vọng về xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tính chung trong năm 2022 như tại kỳ điều tra trước. Trong đó dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân, nhu cầu tín dụng ngắn hạn tăng tương đương nhu cầu tín dụng trung dài hạn, nhu cầu tín dụng VND cao hơn tín dụng ngoại tệ.
Nhu cầu tín dụng phục vụ đời sống và tiêu dùng được nhiều tổ chức tín dụng dự báo tăng nhất trong năm 2022, tiếp theo là nhu cầu về vay thương mại, dịch vụ và vay phát triển công nghiệp, xây dựng; trong khi nhu cầu tín dụng "phát triển nông, lâm, thủy sản" được ít tổ chức tín dụng dự báo tăng nhất.
Các lĩnh vực: đầu tư vận tải kho bãi; kinh doanh xuất nhập khẩu; mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo là 4 lĩnh vực có số lượng tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất trong năm 2022.
Đáng chú ý, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và định hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm.
Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, tuy nhiên sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại.
Như vậy, mặc dù các tổ chức tín dụng đều nhận định nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm 2022 sẽ tiếp tục được cải thiện nhưng quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn tương đối thận trọng, trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND.
Với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm 2022, chỉ có gần 500 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm).
Quay lại với kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, tiêu chuẩn tín dụng có xu hướng nới lỏng hơn đối với nhóm khách hàng cá nhân và các lĩnh vực ưu tiên. Mặt khác, các chuẩn mực cho vay lại thắt chặt nhẹ đối với các các lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên hoặc có xu hướng nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn cho vay tổng thể, dự kiến áp dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng. Trong đó tập trung nới lỏng hơn đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng dự kiến giảm bớt “thắt chặt” đối với lĩnh vực "cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, “cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch” so với 6 tháng đầu năm 2022. Riêng lĩnh vực bất động sản, các tiêu chuẩn tín dụng vẫn được dự kiến sẽ giữ nguyên hoặc có thể thắt chặt hơn.
"Các tổ chức tín dụng đánh giá, cơ sở để dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng lạc quan về các yếu tố triển vọng kinh tế vĩ mô, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàg Nhà nước cùng với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng”, báo cáo nêu rõ.