December 30, 2024 | 09:26 GMT+7

Sẽ xây dựng kho dữ liệu mở để kết nối các trường đại học

Đỗ Như -

Trong giai đoạn 1 từ năm 2024-2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến kho dữ liệu mở có trên 300 giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực đào tạo công nghệ - kỹ thuật; đào tạo giáo viên; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch để triển khai Quyết định số 1117/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” giai đoạn 2025-2030.

Kế hoạch nhằm xây dựng mô hình về phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập, đáp ứng nhu cầu của người học để được cấp bằng và nhu cầu học tập suốt đời.

Đồng thời tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các cán bộ quản lý, giảng viên, người học tại các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng, chia sẻ, khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục mở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, năm 2024-2030 sẽ xây dựng và phát triển kho dữ liệu về tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học ở Việt Nam.

Bộ khuyến khích các trường đại học, các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học đối với các trình độ, các ngành và chương trình đào tạo đang triển khai thực hiện tại cơ sở để kết nối liên thông với kho dữ liệu về tài nguyên giáo dục mở của hệ giáo dục đại học Việt Nam.

Ngoài ra, huy động, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển phát triển kho dữ liệu tài nguyên mở.

Trong giai đoạn 1 từ năm 2024-2026, Bộ dự kiến kho dữ liệu mở có trên 300 giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực đào tạo công nghệ - kỹ thuật; đào tạo giáo viên; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài.

Đến giai đoạn 2 từ năm 2027-2030, dự kiến có trên 600 giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập mở rống ang các lĩnh vực khác và định kỳ cập nhật, bổ sung tài liệu, học liệu, khóa học cho giáo dục đại học.

Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cổng truy cập tài nguyên giáo dục mở, có khả năng kết nối với kho dữ liệu tài nguyên giáo dục mở của các cơ sở giáo dục đại học và các cổng học liệu số, kho tài liệu khác về giáo dục đại học trong và ngoài nước.

Việc xây dựng giao diện Cổng tài nguyên giáo dục mở sẽ tích hợp công nghệ hiện đại, tiên tiến trong vận hành, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu như AI, Blockchain.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, kết nối với các hệ thống tài nguyên mở của các trường đại học nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Hình thành liên minh chia sẻ tài nguyên mở giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và nước ngoài. Hướng tới xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam về tình hình triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học theo định hướng của UNESCO vào năm 2027.

Để có hành lang cơ sở pháp lý nhằm hoàn thiện văn bản pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; ban hành các quy định về chế độ, chính sách để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đóng góp, chia sẻ, khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.

Đồng thời. xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật về dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ, quản lý nguồn tài nguyên giáo dục mở trên môi trường mạng.

Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong dự toán ngân sách hàng năm và nguồn từ các nhà tài trợ, đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate