CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo lạm phát và lãi suất ở Mỹ có thể sẽ giữ ở mức cao hơn lâu hơn so với những gì thị trường kỳ vọng, và nguyên nhân là mức chi tiêu khổng lồ của Chính phủ nước này.
Trong lá thư thường niên gửi cổ đông, người đứng đầu nhà băng lớn nhất của Mỹ về giá trị tài sản cho biết JPMorgan Chase đã lên sẵn kế hoạch cho các kịch bản lãi suất dao động từ cao tới 8% đến thấp tới 2%.
“Một điều quan trọng cần lưu ý là nền kinh tế đang được thúc đẩy bởi mức chi tiêu gây thâm hụt ngân sách lớn của Chính phủ cũng như các gói kích cầu trước đây. Ngoài ra, sự cần thiết phải tăng chi tiêu công cũng lớn hơn do nền kinh tế đang dịch chuyển theo hướng xanh hơn, các chuỗi cung ứng đang được tái cơ cấu, chi tiêu quân sự tăng, và chi phí y tế ngày càng lớn. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn tới lạm phát dai dẳng hơn và lãi suất cao hơn so với những gì thị trường dự kiến”, ông Dimon viết trong bức thư công bố ngày 8/4.
Nhận định này của vị CEO được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính dần giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu lần trong năm nay. Ngoài ra, kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu giảm lãi suất cũng bị đẩy lùi.
Các thị trường đang nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong năm 2024. Khả năng Fed có đợt giảm lãi suất thứ ba trong năm nay chỉ là 50%. Đây là một sự điều chỉnh lớn về kỳ vọng so với đầu năm - thời điểm mà thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 5-6 lần trong năm nay.
Kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn khiến trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo, đẩy lợi suất tăng. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 0,05 điểm phần trăm, đạt 4,78%, mức cao nhất kể từ tháng 11. lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 0,05 điểm phần trăm lên 4,43%.
Cùng với đó, thị trường đang tính đến khả năng Fed phải đến tháng 7 mới bắt đầu giảm lãi suất, từ chỗ đặt kỳ vọng vào tháng 3 ở thời điểm đầu năm và vào tháng 6 trong thời gian gần đây.
Trong thư, ông Dimon cảnh báo sự bùng nổ tín dụng tư nhân có thể trở thành “rủi ro bất ngờ trên thị trường”, cho rằng lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này có rất nhiều nhà điều hành “rất thông minh và sáng tạo” nhưng “không phải tất cả đều giỏi như vậy” .
“Các vấn đề trên thị trường tín dụng tư nhân do kẻ xấu gây ra có thể ảnh hưởng đến những công ty tốt, cho dù các khoản vay tín dụng tư nhân được cố định trong nhiều năm. Nếu các nhà đầu tư cảm thấy bị đối xử không đúng, họ sẽ khiếu nại và Chính phủ sẽ đáp trả bằng cách tăng cường giám sát hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này”, ông Dimon nói. Ông cũng cho rằng sẽ đến một lúc nào đó, các quy định giám sát đối với hoạt động tín dụng tư nhân sẽ phải chặt chẽ giống như đối với thị trường đại chúng.
Bên cạnh đó, vị CEO cảnh báo rằng các sự kiện địa chính trị gần đây - gồm chiến tranh giữa Nga và Ukraine và xung đột ở Trung Đông - “rất có thể sẽ dẫn đến những rủi ro có thể lớn hơn bất cứ điều gì kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai”.
“Ảnh hưởng từ những sự kiện này cũng sẽ làm suy yếu ý tưởng rằng nước Mỹ có thể đứng vững một mình. Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo Mỹ phải luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, nhưng hòa bình và trật tự toàn cầu là yếu tố sống còn đối với lợi ích của Mỹ”, ông Dimon viết trong thư.
Về trí tuệ nhân tạo (AI) , ông Dimon cho biết JPMorgan “hoàn toàn tin tưởng rằng ảnh hưởng của công nghệ này sẽ rất lớn”, đồng thời so sánh tác động tiềm tàng của công nghệ này với máy in, điện và internet.
Năm nay 68 tuổi, ông Dimon đã lãnh đạo JPMorgan từ năm 2006 và chủ đề về người kế nhiệm ông ở cương vị này đang là chủ đề được tranh luận sôi nổi ở Phố Wall.
Trong một thông cáo ngày 8/4, JPMorgan Chase nói rằng “việc thay đổi một cách có trật tự trong trung hạn người đảm nhiệm cương vị CEO” là ưu tiên hàng đầu của Hội đồng Quản trị.