April 24, 2024 | 12:38 GMT+7

Siết quản lý xe kinh doanh vận tải, thu hồi giấy phép khi 30% xe bị tước phù hiệu

Anh Tú -

Nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây. Trong đó, việc quản lý xe hợp đồng vận chuyển hành khách sẽ siết chặt hơn khi thu hồi giấy phép kinh doanh với đơn vị có 30% số phương tiện trở lên bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu...

Nghị định bổ sung quy định thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện tránh tình trạng chây ỳ của doanh nghiệp như vừa qua.
Nghị định bổ sung quy định thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện tránh tình trạng chây ỳ của doanh nghiệp như vừa qua.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định số 41). Nghị định ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô, sát hạch lái xe. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây. 

LƯU TRỮ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN, DANH SÁCH KHÁCH HÀNG ÍT NHẤT 3 NĂM

Đáng chú ý, Nghị định số 41 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó, việc quản lý hợp đồng vận chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có nhiều điểm mới.

Ngoài ra, nghị định cũng sửa đổi các quy định về điều kiện của cơ sở đào tạo lái xe như hệ thống phòng học chuyên môn, thiết bị mô phỏng, hay điểm mới về cấp giấy phép liên vận xe du lịch qua biên giới. 

Theo quy định tại Nghị định 41, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải lưu trữ hợp đồng, danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

Nếu như Nghị định 10/2020 quy định doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển về Sở Giao thông vận tải nơi đăng ký kinh doanh hoặc phần mềm của Bộ Giao thông vận tải (từ ngày 1/1/2022) thì Nghị định số 41 chỉ quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

 

Với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, Nghị định số 41 cho phép được vận chuyển hành khách theo hợp đồng, đồng thời, thực hiện lưu trữ hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành, kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

Từ những bất cập trong việc quản lý tại các Sở Giao thông vận tải, quy định được sửa đổi theo hướng phù hợp hơn. Trước đây, các xe vận tải hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi, doanh nghiệp phải gửi email hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách về Sở Giao thông vận tải nhưng số lượng cán bộ, nhân lực các sở không đáp ứng được yêu cầu, điều này dẫn đến nhiều hạn chế.

Trong khi đó, hiện, Cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa xây dựng xong phần mềm tiếp nhận, quản lý hợp đồng vận chuyển của các xe vận tải trên toàn quốc.

Theo quy định mới tại Nghị định 41, doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm lưu trữ hợp đồng, danh sách hành khách và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện trên đường cũng như phục vụ quá trình cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, thanh tra tại đơn vị.

Ngoài nội dung trên, các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng ở Nghị định 10/2020 vẫn được giữ nguyên. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

SIẾT QUY ĐỊNH VỀ THU HỒI PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU

Nghị định số 41 cũng bổ sung quy định thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện. 

Cụ thể, khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe bị thu hồi.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, Sở Giao thông vận tải chỉ cấp lại, cấp mới phù hiệu, biển hiệu sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).

“Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở Giao thông vận tải chỉ cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi”, Nghị định số 41 nêu rõ.

Trường hợp đơn vị vận tải lấy lý do bị mất phù hiệu, biển hiệu trong quyết định thu hồi và muốn xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.

Quy định trên nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải, tránh tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải chây ỳ không nộp lại phù hiệu, biển hiệu mà vẫn sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trái quy định nhức nhối như thời gian qua. 

Đồng thời, tăng trách nhiệm trong quản lý lái xe, phương tiện đảm bảo không vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, vi phạm luật giao thông đường bộ vì có thể dẫn đến bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, khó khăn trong việc cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu; thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate