Chiều ngày 3/3, Bộ Tài chính phản hồi thông tin về kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Cụ thể, theo công văn số 5837 ngày 3/6/2021 của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong giá cơ sở xăng dầu, mức chi phí kinh doanh định mức tối đa hiện nay đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít.
Còn mức chi phí kinh doanh định mức với các mặt hàng dầu Điêzen 0,05s, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít.
Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối.
Bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu; bao gồm chi phí phát sinh đặc thù của xăng E5, E10 như: chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn xăng E5, E10, chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn, chi phí vận hành, chi phí giám định cấp chứng chỉ hợp chuẩn, hợp quy, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển phát sinh do cung đường vận chuyển hàng hóa thay đổi, chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh xăng E5, E10...
Việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính theo kỳ báo cáo chậm nhất 31/3 hàng năm.
"Hiện nay, với xu hướng giá thế giới tăng cao thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính có công văn đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định, gửi về trước 31/3, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.
Trước đó, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu gồm mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Điều này nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Từ đó, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Được biết, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được áp dụng cố định từ năm 2014 đến nay, mặc dù có nhiều thay đổi và biến động giá cả thị trường.
Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng mức chi phí định mức này không còn phù hợp do thị trường giá xăng dầu thế giới đã biến động liên tục, lạm phát và các chi phí đều tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cửa hàng, đại lý không mặn mà bán hàng trong thời gian qua.