October 22, 2024 | 08:00 GMT+7

Tăng giá điện: “Sức ép” lên kiểm soát lạm phát

Mạnh Đức -

Theo tính toán, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% sẽ khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm khoảng 0,04%. Đây là mức thấp nhất đã được Chính phủ và các bộ, ngành cân đối. Dẫu vậy, với người dân và doanh nghiệp, điều đáng lo ngại hơn cả là tình trạng giá các loại dịch vụ và hàng hóa sẽ “té nước theo mưa”.

Việc điều chỉnh giá điện bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Việc điều chỉnh giá điện bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tăng giá bán lẻ điện bình quân từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8% từ ngày 11/10/2024. Trước đó, trong năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng 3% (55,9 đồng/kWh) vào ngày 4/5/2024 và 4,5% (86,4168 đồng/kWh) vào ngày 9/11/2024. Như vậy, giá điện tăng thêm trong năm 2023 là hơn 142,31 đồng/kWh.

NGUYÊN NHÂN TĂNG GIÁ ĐIỆN

Lý giải về nguyên nhân tăng giá điện, EVN cho biết dựa trên 3 cơ sở quan trọng: chính trị, pháp lý và thực tiễn. Cụ thể, về cơ sở chính trị, triển khai Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu: “Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.

Về cơ sở pháp lý, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Về cơ sở thực tiễn, theo EVN, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ. Đối với các yếu tố đầu vào khi có biến động lớn sẽ tác động đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm.

Trong năm 2023, tỷ trọng nguồn điện diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Cụ thể: các nguồn có giá mua rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, tỷ trọng các nguồn điện có giá mua đắt (nhiệt điện than) và giá mua rất đắt (nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%. Trong khi đó, nhu cầu điện tăng cao, xấp xỉ 10 - 11%. Như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, ngành điện tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn, dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.

Trước đó, ngày 10/10/2024, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành) là 528.604,24 tỷ đồng, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.

Giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022. Như vậy, EVN đang bán lẻ điện dưới mức giá thành sản xuất kinh doanh là 135,33 đồng/kWh, tương đương với 6,92%.

Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng, nên số lỗ giảm xuống còn 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

LO NGẠI TÌNH TRẠNG “TÉ NƯỚC THEO MƯA”

Về tác động tăng giá điện, EVN cho biết theo tính toán, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Với khách hàng kinh doanh dịch vụ (có khoảng 547.000 khách hàng), mức tăng trung bình mỗi khách hàng trong là 247.000 đồng/tháng. Còn với khách hàng sản xuất (cả nước có khoảng 1,921 triệu khách hàng), sau điều chỉnh giá từ ngày 11/10/2024, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 499.000 đồng/tháng. Với các khách hàng hành chính sự nghiệp (tổng số 691.000 khách hàng), sau khi tăng giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 91.000 đồng/tháng.

Tăng giá điện: “Sức ép” lên kiểm soát lạm phát - Ảnh 1

Việc tăng giá điện lần này, EVN dự kiến sẽ làm tăng CPI khoảng 0,04%. Theo nhìn nhận của một số chuyên gia kinh tế, mức tăng này không gây áp lực lớn đến lạm phát, song cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”. Bởi trên thực tế, những lần tăng giá điện trước đây đã kéo giá của các loại dịch vụ và hàng hóa tăng theo với mức cao hơn so với tỷ lệ tăng giá điện trong giá thành.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các đợt tăng giá điện gần đây có ảnh hưởng khá rõ đến CPI. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, giá bán lẻ điện được điều chỉnh trong năm 2023 là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến CPI tăng khá cao trong các tháng 1 và từ tháng 4 tới tháng 7. Tính chung 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08%, làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Dự báo lạm phát năm 2024 được kiểm soát trong mức Quốc hội đề ra (khoảng 4 - 4,5%), tuy nhiên Tổng cục Thống kê vẫn lưu ý các yếu tố có thể làm CPI tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Trong đó, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên lạm phát.

Đối với các ngành sản xuất, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nhất là đối với những ngành sử dụng nhiều điện như sắt, thép, xi măng, hóa chất, giấy... Hơn nữa, việc tăng giá vào thời điểm này cũng là thách thức cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục chưa được nhiều. Ngoài ra, giá điện tăng cũng khiến doanh nghiệp bị động trong việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

GIẢI QUYẾT BẤT CẬP CỦA GIÁ ĐIỆN

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện thêm 4,8% trong 2 tháng cuối năm 2024 chưa thể nào bù lại được số lỗ của EVN. Bởi thực tế, thời điểm tháng 8-9/2024, giá mua điện bình quân đang cao hơn giá bán điện bình quân khoảng 6%. Vì vậy, nếu để EVN thoát lỗ, mức tăng giá điện phải trên 6%.

 Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ ra một thực trạng bất cập là trong cơ chế bù chéo giá điện, tức giá điện sản xuất của Việt Nam đang ở mức rất thấp, nhưng với ưu đãi này, doanh nghiệp FDI lại được hưởng lợi lớn nhất. Đây có thể là lý do gây lỗ lớn thời gian qua của EVN.

Về bất cập của giá điện hiện nay, tại tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp” mới đây, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng giả sử các bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối thì rõ ràng đây là một bất cập. Vì vậy, về lâu dài, cần giải quyết một cách triệt để vấn đề này.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), lấy dẫn chứng, giá thành điện năm 2023 là 2.088 đồng/kWh, trong khi giá bán bình quân là 1.953 đồng/kWh. Như vậy, giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Thực tế này gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện, cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.

Vì vậy, ông Thỏa cho rằng phải cải cách giá điện. Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện. Về lâu dài, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.

Đồng tình với việc phải sửa Luật Điện lực, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết thêm chúng ta đang nhìn thấy lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng tiến theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam. Để làm được những việc này, đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó chúng ta mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện “sạch, xanh” trong cơ cấu sản xuất điện...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng giá điện: “Sức ép” lên kiểm soát lạm phát - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate