Trong nỗ lực đạt được mục tiêu Net Zero, phương tiện giao thông đường bộ sẽ đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh nhóm phương tiện giao thông công cộng như taxi hay xe buýt, các phương tiện cá nhân bao gồm xe máy và ô tô cũng được xem là trọng tâm trên tiến trình xanh hóa.
Ô TÔ ĐIỆN SẼ CHIẾM 30% VÀO NĂM 2030
Theo quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030 vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành, mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 30% người dân sử dụng ô tô điện và 22% xe máy điện trong tổng số xe sử dụng.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2030, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến ô tô điện, xe mô tô, xe gắn máy điện.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa các quy định về trạm dừng, trong đó có số lượng vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ sẽ được áp dụng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, đến năm 2030 toàn bộ xe máy đảm bảo đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100 km; toàn bộ ô tô từ 9 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu. Ô tô có dung tích động cơ <1400cc đạt 4,7 lít/100 km; ôtô từ 9 chỗ trở xuống dung tích động cơ 1400-2000cc đạt 5,3 lít/100 km và dung tích động cơ >2000cc đạt 6,4 lít/100 km.
Phương tiện mới áp dụng quy định trên theo lộ trình đạt 30% tổng số phương tiện vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45% - 50%, Tp. Hồ Chí Minh là 25%, Đà Nẵng 25% - 35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10% - 15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Đồng thời, các đô thị lớn sẽ đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động, như Hà Nội có đoạn trên cao tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đã hoạt động và toàn tuyến số 3, được hoàn thành và khai thác vào năm 2030. Tại Tp. Hồ Chí Minh, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa vào vận hành từ quý 4 năm nay.
Giai đoạn 2024 - 2030, các thành phố lớn tiếp tục phát triển xe buýt CNG (sử dụng khí thiên nhiên) bảo đảm mục tiêu đến 2030, tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại Tp. Hồ Chí Minh và 200 xe tại Hà Nội.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra các biện pháp chuyển đổi vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển, trong đó có tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết kế hoạch trên nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm 5,9% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường. Cụ thể, năm 2025 giảm được 3,4 triệu tấn CO2tđ; đến năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; cả giai đoạn 2021 - 2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.
Với số lượng phương tiện hiện nay và gia tăng hàng năm, ước tính lượng phát thải khí nhà kính được dự báo sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030.
THỊ TRƯỜNG XE ĐIỆN CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA TĂNG TRƯỞNG
Theo nghiên cứu của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,48 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 5,67 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 18% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029).
Đơn cử, quý 2 năm nay, VinFast đã giao 13.172 xe điện, tăng 44% so với quý 1 và 43% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số lượng xe được giao trong nửa đầu năm 2024 lên 22.348 xe, đánh dấu mức tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia HSBC, sự phát triển của các phương tiện chạy điện đang đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải carbon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn. Các nhà làm xe điện trong nước đã phần nào thành công trong phát triển xe máy điện.
“Ngày nay, thị trường xe máy điện của Việt Nam đang lớn nhất ở ASEAN và lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong tương lai, thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng”, HSBC cho biết.
HSBC ước tính tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới một triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036. Con số này cho thấy tiềm năng thị trường của ngành này ở Việt Nam.
HSBC dự đoán xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện của Việt Nam. So với ô tô điện, xe máy điện có giá vừa tầm hơn với độ tương đồng linh kiện cao hơn và đã có tỷ lệ sản xuất nội địa cao.
Trên thực tế, việc xe máy chiếm ưu thế, cả ở mảng chạy điện và nhiên liệu hóa thạch, không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Theo dự đoán doanh số bán xe điện của Bloomberg NEF, đây là một hiện tượng phổ biến trên toàn Đông Nam Á. “Tuy nhiên, đến cuối những năm 2030, kỳ vọng doanh số bán xe máy điện sẽ đi ngang ở Việt Nam khi thị trường xe máy trong nước bão hòa”, HSBC nhận định.
Riêng đối với thị trường ô tô điện, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng to lớn chưa được khai phá trong bối cảnh hơn 60% người dân sở hữu xe máy trong năm 2020, trong khi mới chỉ có 5,7% sở hữu ô tô (theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ).
Thời gian gần đây, thị trường xe điện và các trạm sạc điện đang diễn ra sôi động tại Việt Nam. Cùng với Vinfast và một số doanh nghiệp khác, Ngôi Nhà Đức Tp. Hồ Chí Minh cũng khánh thành và đưa vào hoạt động các trạm sạc ô tô điện công cộng tại Tầng hầm B3, 33 Lê Duẩn (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh).
Hay mới đây, tại Vietnam Motor Show 2024 (VMS 2024) nhiều hãng xe đã thể hiện cam kết chuyển đổi sang tương lai thuần điện nhằm thể hiện nỗ lực xanh hóa giao thông, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Trong đó, Toyota đang là một trong những hãng xe đi đầu trong công nghệ điện khí hóa trên toàn cầu với dải sản phẩm đa dạng từ xe hybrid tự sạc, xe hybrid sạc ngoài, xe thuần điện và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu. Hay BYD gia nhập thị trường Việt bằng dải sản phẩm thuần điện; còn Mitsubishi, Subaru và Suzuki cũng liên tiếp giới thiệu các dòng xe trang bị động cơ hybrid tại nhiều thị trường khác nhau...