Trung Quốc đang tính bơm thêm ít nhất 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 137 tỷ USD, tiền kích cầu vào nền kinh tế bằng vốn vay thông qua phát hành trái phiếu, chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg. Bắc Kinh đi đến cân nhắc này trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế diễn ra ì ạch, có khả năng không đạt mục tiêu cả năm.
Một nguồn tin nói rằng số tiền kích cầu nói trên sẽ được rót vào các dự án đầu tư hạ tầng và sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Chính phủ Trung Quốc vượt xa giới hạn 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) đưa ra hồi tháng 3 năm nay. Kế hoạch kích cầu này có thể được công bố ngày trong tháng 10 - một nguồn tin khác tiết lộ, nhưng nói thêm rằng việc bàn bạc vẫn đang diễn ra và kế hoạch có thể thay đổi.
TÍN HIỆU THAY ĐỔI LẬP TRƯỜNG CỦA BẮC KINH?
Ý định kích cầu cho thấy mối lo ngại ngày càng lớn của các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc về tình hình sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây cũng sẽ là một sự dịch chuyển lập trường của Bắc Kinh vì cho tới hiện tại, họ vẫn tránh sử dụng tới các biện pháp kích cầu trên diện rộng bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng xấu đi và áp lực giảm phát gia tăng khiến mục tiêu tăng trưởng 5% của năm 2023 bị đặt vào thế rủi ro.
“Việc phát hành thêm nợ của chính quyền trung ương có thể mang tới thêm nguồn lực để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn. Câu chuyện phục hồi của Trung Quốc có thể là một cuộc chạy tiếp sức, mà ban đầu là đầu tư hạ tâng đi trước rồi mới đến chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp”, nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của công ty Jones Lang LaSalle nhận định.
Tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã gây áp lực lên mọi thứ, từ thị trường chứng khoán nước này cho tới giá hàng hoá cơ bản và kết quả kinh doanh của các công ty đa quốc gia như Nike và LVMH.
Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cố gắng giữ thâm hụt ngân sách chính thức - không bao gồm vay nợ qua trái phiếu đặc biệt và các công cụ tài chính của chính quyền địa phương - ở mức dưới 3% GDP, một phần nhằm mục đích kiểm soát rủi ro tài chính. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các tổ chức nghiên cứu thuộc nhà nước và các chuyên gia kinh tế của các công ty toàn cầu đã tăng cường kêu gọi Trung Quốc nới lỏng giới hạn thâm hụt ngân sách, vì áp lực tài khoá ngày càng tăng trong một nền kinh tế tăng trưởng ngày càng chậm lại.
Trưởng nghiên cứu Xiaojia Zhi của Credit Agricole CIB nhận định rằng kế hoạch kích cầu mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang thảo luận chỉ ở mức khiêm tốn, vì quy mô của gói này chỉ bằng khoảng 0,7% GDP của Trung Quốc.
“Nhưng kế hoạch này sẽ gửi đi một thông điệp tích cực”, bà Zhi nói, cho rằng việc kích cầu như vậy là một “cân nhắc đáng kể” xét tới nhu cầu còn yếu của khu vực tư nhân, điều kiện tài khoá thắt chặt tại các địa phương và cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp diễn. “Tỷ lệ nợ của chính quyền trung ương vẫn ở mức thấp, và bảng cân đối kế toán của họ là khá lành mạnh”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh việc kích thích kinh tế bằng những động thái nhỏ giọt, bao gồm giảm một số lãi suất chủ chốt, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng, nới các quy định về mua nhà và hỗ trợ người tiêu dùng, và cho phép các chính quyền địa phương hỗ trợ thêm trái phiếu đặc biệt.
GIẢM ÁP LỰC CHO CÁC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Đến hiện tại, một số bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy sự khởi sắc nhẹ, triển vọng của toàn nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều bấp bênh. Doanh số bán nhà tiếp tục sụt giảm và sự phục hồi của tiêu dùng nội địa chậm hơn nhiều so với dự báo trong tuần nghỉ Quốc khánh vừa qua - dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của niềm tin khiến hộ gia đình và doanh nghiệp thận trọng trong chi tiêu.
Giới chuyên gia kinh tế đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm nay còn 5%, bằng với mục tiêu tăng trưởng cả năm mà Bắc Kinh đề ra. Hồi tháng 3, khi mục tiêu tăng trưởng này được thiết lập, các nhà kinh tế học đã xem đây là một mục tiêu khiêm tốn.
Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, đồng nhân dân tệ vốn dĩ đang yếu của nước này sẽ đương đầu thêm áp lực áp lực mất giá, kéo theo sự rút lui của dòng vốn khỏi Trung Quốc và đặt thị trường tài chính nước này trước rủi ro biến động lớn. Tăng trưởng kinh tế ì ạch cũng đồng nghĩa số lượng công ăn việc làm suy giảm, làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp, nhất là ở lao động trẻ.
Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu để đầu tư hạ tầng - biện pháp mà Trung Quốc thường sử dụng để cứu tăng trưởng kinh tế trong những giai đoạn suy giảm tăng trưởng trước đây - đã trở nên hiếm gặp ở nước này kể từ khi các địa phương Trung Quốc được phép bán trái phiếu đặc biệt cho mục đích như vậy vào năm 2015.
Bằng cách tăng giới hạn thâm hụt ngân sách, Chính phủ Trung Quốc có thể phát hành thêm trái phiếu thường để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và giảm áp lực trả lãi cho các chính quyền địa phương vốn phải dựa vào trái phiếu đặc biệt - loại trái phiếu có lãi suất cao hơn, theo giới chuyên gia.
Theo nhà kinh tế Tommy Xie của ngân hàng OCBC, cuộc thảo luận về tăng cường kích cầu của Trung Quốc đánh dấu một “bước đi tích cực tiến tới giải quyết vấn đề nợ nần của các chính quyền địa phương”.
“Ảnh hưởng lan rộng của nợ chính quyền địa phương đối với tăng trưởng kinh tế là không thể xem nhẹ. Mức độ ảnh hưởng đang ngày càng rõ rệt hơn. Việc chính quyền trung ương gánh lấy một phần lớn hơn trong lượng nợ mới sẽ là một giải pháp khả thi cho vấn đề”, ông Xie nhận định.