Đây là một trong những mục tiêu đặt ra trong dự thảo Đề án “Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
SỐ LƯỢNG NHÂN SỰ CHUYÊN TRÁCH VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ CÒN MỎNG
Chuyển đổi số quốc gia là một chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước được quan tâm, chỉ đạo định hướng triển khai trong những năm gần đây, và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa, đưa ra trong nhiều văn bản quan trọng, làm cơ sở triển khai chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.
Để có thể thực hiện thành công chủ trương lớn này trên cả nước cần một mạng lưới cơ quan đủ mạnh, vừa thúc đẩy, vừa thực thi quản lý nhà nước về chuyển đổi số, được xác định đúng vai trò và được trao cho đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Nhận xét về thực tế hiện nay, dự thảo Đề án nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương đang giao cho đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin (Cục công nghệ thông tin/Trung tâm Thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông) làm đầu mối chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Trong khi khối lượng công việc ngày một lớn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hơn thì tổ chức bộ máy và điều kiện nhân lực của các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp, cắt giảm. Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chỉ một “mắt xích” nhỏ không đảm bảo có thể làm chậm cả quá trình chuyển đổi số của quốc gia.
Tại các địa phương, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng không đáng kể từ năm 2016 đến nay. Tỷ lệ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các địa phương khá thấp, chiếm chưa đến 2% nhân lực trong các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tỷ lệ công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số còn thấp.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, khối lượng công việc và yêu cầu nghiệp vụ đối với lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngày càng cao. Trong khi đó, một trong những vấn đề lớn đặt ra là nguồn nhân lực tại chính các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại địa phương lại đang bị thiếu hụt nhiều so với nhu cầu thực tế và hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.
Theo thống kế đến hết năm 2022, số lượng nhân sự chuyên trách chuyển đổi số còn mỏng, trung bình chiếm 2,64% tổng số công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương (trung bình khối tỉnh 2.56%, trung bình khối bộ 4.05%). Trong khi đó, theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tối thiểu 10%.
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, chuyển đổi số là một lĩnh vực non trẻ so với các lĩnh vực khác; quá trình hình thành tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chuyển đổi số còn mới so với lịch sử hình thành ngành thông tin và truyền thông. Qua kết quả đánh giá có thể thấy sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về chuyển đổi số và liên quan đến chuyển đổi số chưa tương xứng với nhiệm vụ về chuyển đổi số theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; chưa phát huy được năng lực trong thực tế; cần phải rà soát và điều chỉnh chức năng và nhiệm vụ cho phù hợp.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã đi đến giữa chặng đường, Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trong các Chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH, THỰC THI CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN CẢ NƯỚC
Để triển khai chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ toàn dân, toàn diện, vấn đề phát triển mạng lưới cơ quan chuyên trách chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực thi chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương là vấn đề ngày càng trở nên bức thiết. Do vậy, việc ban hành Đề án được xác định như “kim chỉ nam” thống nhất, xuyên suốt về chủ trương và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giải quyết vấn đề này.
Do đó, dự thảo Đề án nhấn mạnh quan điểm: việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi về chuyển đổi số là yếu tố then chốt góp phần cụ thể hóa định hướng, giải pháp thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần đại hội XIII của Đảng trong triển khai chuyển đổi số gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng phục vụ quản lý và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Cùng với đó hình thành tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, thống nhất đầu mối, có sự phân công rõ ràng, cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số các cấp từ trung ương đến địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phát huy vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi số, đủ về số lượng, hài hòa về cơ cấu, phù hợp theo đặc thù lĩnh vực, vùng, miền với đầy đủ công cụ, nền tảng số phục vụ hoạt động công vụ.
Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số trên cơ sở kiện toàn hoặc bổ sung nhiệm vụ về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, 100% Tổng Cục, Cục, Thanh tra, Văn phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, thành phố; UBND cấp huyện, xã phân công, chỉ định bộ phận hoặc đầu mối thực hiện chức năng tham mưu và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Bảo đảm kiện toàn các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số thuộc Bộ, ngành, địa phương với cơ cấu hợp lý, được sắp xếp, bố trí lại hoặc bổ sung kịp thời biên chế trên cơ sở biên chế hiện có của Bộ, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số.
Cũng đến năm 2025, dự thảo đặt mục tiêu có 80% cán bộ tham mưu và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã được đào tạo về chuyên môn, kĩ năng số, quản lý nhà nước, ngoại ngữ và các yêu cầu khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số…