December 02, 2024 | 06:00 GMT+7

Tây Bắc phát triển nông nghiệp sinh thái - tuần hoàn

Chu Khôi -

Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi tạo vòng tròn dinh dưỡng, đa canh nông lâm kết hợp, canh tác hữu cơ… đã trở thành những giải pháp hiệu quả thiết thực đối với vùng núi cao, đất dốc ở Tây Bắc…

Rẫy trồng cà phê theo mô hình đa canh trên đất dốc của anh Lò Văn Pun
Rẫy trồng cà phê theo mô hình đa canh trên đất dốc của anh Lò Văn Pun

Chúng tôi vừa có chuyến điền dã lên Sơn La và Điện Biên, chứng kiến người dân tộc Thái, H’mông phát triển nông nghiệp sinh thái - tuần hoàn. Trên chiếc xe cải tiến (giống như công nông đầu ngang) leo qua những con dốc tưởng gần như thẳng đứng (vì địa hình dốc nên xe ô tô không thể đi được), chúng tôi đến bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Từ cụm dân cư, phải đi bộ leo núi thêm 3 km nữa mới đến được khu vực trồng cà phê của anh Lò Văn Pun, người dân tộc Thái.

GIẢI PHÁP CANH TÁC BỀN VỮNG CÀ PHÊ

Trên sườn núi gần như dốc đứng, những cây cà phê arabica bám vào vách đất, ẩn hiện trong mây mù. Anh Lò Văn Pun cho biết địa hình nơi đây chỗ nào cũng là đất dốc, canh tác vô cùng khó khăn. “Trước đây trồng cà phê, năng suất rất thấp, thu nhập không đáng là bao. Do ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, mùa đông mây mù bao phủ, nên cây cà phê thường xuyên bị bệnh gỉ sắt.

Khi thời tiết khô hạn, cây cà phê rất dễ bị héo lá, tỷ lệ chết rất cao. Chúng tôi chăm chỉ dũi cỏ, xới đất cho cây cà phê, vì cha ông nói rằng nếu lười dũi, cỏ sẽ ăn hết chất dinh dưỡng của cây cà phê, nhưng cây vẫn còi cọc, chậm lớn. Chúng tôi cũng bón đủ loại phân cho cây cà phê, nhưng cũng khó cải thiện được năng suất”, anh Pun chia sẻ.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương  (bên trái) và Lò Văn Pun (bên phải) cùng chia sẻ về quy trình canh tác sinh thái 
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương  (bên trái) và Lò Văn Pun (bên phải) cùng chia sẻ về quy trình canh tác sinh thái 

Từ tháng 4/2022, các chuyên gia của dự án Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn (ASSET) đến đây, đã nhìn thấy những vấn đề này và tư vấn những giải pháp giúp tháo gỡ. Về những giải pháp đang thực hiện, anh Pun cho biết, bây giờ không dũi cỏ nữa, mà trồng cỏ dưới gốc cây cà phê.

Cỏ trồng ở đây không phải giống cỏ hoang, mà là những giống cỏ cao, có sinh khối lớn, được các chuyên gia đem đến hỗ trợ. Trồng cỏ rồi, anh mới hiểu ra rằng, chính cây cỏ đã giúp giữ nước trong đất để cây cà phê có “nước uống” trong mùa đông. Do địa hình đất dốc, chính việc dũi cỏ và xới đất trước đây đã khiến nước mưa trôi tuột xuống dưới, đất thường xuyên bị khô nẻ, khiến cây cà phê luôn trong tình trạng “khát nước”.

Gia đình anh Lò Văn Pun dùng máy băm cỏ, ủ chua để làm thức ăn cho gia súc
Gia đình anh Lò Văn Pun dùng máy băm cỏ, ủ chua để làm thức ăn cho gia súc

Cùng với việc trồng cỏ, anh Pun được chuyên gia tư vấn trồng cây trám đen và cây gáo để che bóng cho cây cà phê. Cây che bóng giúp chống sương muối, làm giảm cường độ ánh sáng, nên cây phát triển tốt hơn, ít bị bệnh gỉ sắt hơn. Đồng thời, cây trám cho quả, cũng là loại thực phẩm được người Thái ở đây sử dụng trong bữa ăn.

 

"Cả bản Nam có 130 hộ, đến nay đã có 40 hộ tham gia dự án. Trong bản hiện đã có 50 ha cây cà phê đã được người dân trồng che bóng và trồng thảm cỏ, chiếm 45% trong tổng diện tích cây cà phê của cả bản".

Anh Lò Văn Pun, bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Dẫn chúng tôi xem những băng cỏ trồng xanh tươi như những bậc thang trên sườn núi, anh Pun khoe: Nhờ trồng cỏ, không chỉ giúp cây cà phê đỡ khô khát, mà còn tạo được nguồn thức ăn xanh để nuôi bò, dê, phân bò, phân dê đem ủ để làm phân bón cho cây cà phê.

“Nhà tôi có 13.000 gốc cà phê, năm ngoái đạt năng suất cao gấp 3 lần so với bình quân trước đây, thu hoạch quả cà phê bán được 150 triệu đồng, lợi nhuận còn 100 triệu đồng. Năm nay cây cà phê còn tốt hơn, cho quả nhiều hơn, dự tính sẽ thu hoạch được 14 tấn quả. Hiện giá bán quả cà phê lên tới 20 nghìn đồng/kg, cao gấp rưỡi năm ngoái (người dân ở đây bán quả cà phê xô, chứ không sơ chế rồi bán hạt cà phê nhân như ở Tây Nguyên), dự tính sẽ đem về 280 triệu đồng, trừ chi phí sẽ còn lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng”, anh Lò Văn Pun cho biết.

Anh Pun tâm sự, cán bộ dự án ASSET không chỉ tư vấn việc canh tác cà phê, mà còn dạy kỹ thuật ủ phân và ủ cỏ. Cỏ trồng dưới tán cây cà phê, được thu hoạch, ủ bằng men vi sinh để làm thức ăn cho bò và dê quanh năm, nhờ đó, tiết kiệm được 90% chi phí thức ăn trong chăn nuôi. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào này, anh đầu tư nuôi 10 con bò và 30 con dê, cùng đàn gà bản địa. “Phân bò và phân dê được đem ủ với men vi sinh mà cán bộ dự án đem đến hỗ trợ. Chúng tôi dùng phân gia súc đã ủ để bón cho cây cà phê, giảm được 80% chi phí phân bón, lại không ô nhiễm môi trường”, anh Pun chia sẻ.

"BỆ ĐỠ" CHO CÂY MẮC CA Ở TUẦN GIÁO

Rời bản Nam ở Sơn La, chúng tôi đến xã Quài Nưa, ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Tại đây, chúng tôi được tham quan nương của gia đình chị Thủy ở bản Bó Giáng ở xã Quài Nưa, ngắm nhìn những cây mắc ca mới trồng hơn một năm tuổi đang dần phủ xanh những triền đồi dốc.

Chị Thủy cho biết, nương mắc ca của gia đình chị mới trồng từ giữa năm 2023, với diện tích 16 ha, trồng trên 4.000 cây mắc ca. Vốn đầu tư trồng cây mắc ca lớn hơn các cây trồng khác và phải đầu tư dài hạn.

Chị Thuỷ chăm sóc cây mắc ca
Chị Thuỷ chăm sóc cây mắc ca

“Riêng tiền mua cây giống mắc ca đã hết 300 triệu đồng, phải chờ 6 năm mới cho thu hoạch, tức là chưa thể có thu nhập. Tôi được cán bộ của dự án ASSET tư vấn trồng xen cỏ mulato, các cây họ đậu xen với cây mắc ca để có thu nhập ngay. Nhờ trồng cỏ mulato, tôi nuôi 7 con bò, không chỉ có lợi nhuận từ bán bò thịt, tôi còn có nguồn phân bò để bón cho cây mắc ca, giảm được 70% chi phí phân bón cho cây mắc ca”.

Ông Lò Văn Oai, ở bản Bó Giáng, xã Quài Nưa, cho hay gia đình có 3,8 ha cây mắc ca và cà phê, nên cũng trồng cỏ xen trong các cây này. Trước đây không trồng cỏ, nên thả rông trâu bò. Nay nuôi nhốt, có cỏ dinh dưỡng cao thì bò lớn nhanh hơn, mập hơn. Trước đây nuôi bò phải 6 tháng mới bán được. thì nay nuôi vỗ béo bò chỉ 3-4 tháng là xuất bán được. Nhờ vậy, thu nhập đã tăng 70% so với trước.

Ông Lò Văn Oai sử dụng máy pha trộn và ép thức ăn cho gia cầm
Ông Lò Văn Oai sử dụng máy pha trộn và ép thức ăn cho gia cầm

Ông Oai được dự án hỗ trợ vật tư phục vụ ủ phân và một máy ép phân. “Máy có 2 cái sàng: sàng to dùng ép phân ủ, sàng nhỏ ép thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm. Hai con bò mỗi năm cho 5 tấn phân, phân đưa vào máy sấy khô và ép thành viên, nếu bán phân thì được 6 triệu đồng/năm”, ông Oai giới thiệu.

Ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quài Nưa, cho hay canh tác trên đất dốc rất khó khăn, trước đây thu nhập rất thấp, hầu hết người dân trong xã Quà Nưa không có việc làm, nhiều người phải đi xa kiếm việc làm. Thực hiện chủ trương của tỉnh Điện Biên, người dân địa phương đã trồng cây mắc ca. Đến nay, toàn xã Quài Nưa đã trồng được hơn 500 ha cây mắc ca, nhưng phần lớn diện tích chưa cho thu hoạch quả.

Tham gia dự án ASSET, ông Thủy cùng cán bộ dự án đã khuyến cáo bà con trồng các cây dược liệu, khoai, bầu bí, dưa mèo để tạo nguồn thu nhập trong ngắn hạn. Riêng ở Bó Giáng đã có 21 thành viên tham gia mô hình sinh thái nông nghiệp này, với 37 ha cỏ sinh khối cao đã được trồng dưới tán cây mắc ca. Nhờ trồng được cỏ, nên nông dân đã thực hiện nuôi nhốt trâu bò, giờ nhiều nhà không còn thả rông như trước. “Trước đây, trâu bò thường được thả rông ở trong rừng để chúng tự ăn cỏ hoang, mùa đông rét, trâu bò chết rất nhiều. Nay nhờ nuôi nhốt, tỷ lệ trâu bò chết rét rất thấp, lại kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế rủi ro, rút ngắn được thời gian nuôi, tăng thu nhập. Trước kia thả trâu bò trong rừng, không thu gom được phân, nay nuôi nhốt, phân bò cũng bán được tiền”, ông Quàng Văn Thuỷ nhấn mạnh.

CHUYỂN ĐỔI NÔNG NGHIỆP SINH THÁI

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn (ASSET) do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với tổng kinh phí 15 triệu Euro, được triển khai tại bốn nước: Cambodia, Laos, Myanmar và Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giảng viên Trường đại học Tây Bắc, Cán bộ Dự án ASSET, chia sẻ có 13 nguyên tắc được thiết lập cho nông nghiệp sinh thái: tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; cải thiện khả năng tự cung cấp của hệ thống nông nghiệp; phục hồi dinh dưỡng trong đất; đối xử công bằng với vật nuôi; duy trì và phục hồi đa dạng sinh học; cộng sinh, hội sinh và hợp sinh giữa các cây trồng; đa dạng hóa nguồn thu nhập từ nông nghiệp; sáng tao kiến thức mới dựa trên kinh nghiệm và thực tế sản xuất của nông dân; tôn trọng truyền thống ẩm thực và văn hóa bản địa; lợi nhuận phân chia phù hợp; hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; phát huy vai trò của người dân trong quản lý tài nguyên; phát triển có sự tham gia.

Ông Quàng Văn Thuỷ chăm sóc đàn bò của gia đình
Ông Quàng Văn Thuỷ chăm sóc đàn bò của gia đình

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, hiện có nhiều thực hành nông nghiệp sinh thái ở khu vực Đông Nam Á, gồm: nông nghiệp hữu cơ; nông lâm kết hợp, nông nghiệp bảo tồn; quản lý cây trồng tổng hợp, nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đề cập về triển khai dự án ASSET tại Việt Nam, chuyên gia cho biết Dự án đã khảo nghiệm, lựa chọn các giống cà phê thích nghi tốt nhất với vùng cao Tây Bắc. Dự án đã hỗ trợ người dân đa dạng hóa cảnh quan cà phê với việc thử nghiệm mô hình tại chỗ: trồng băng cỏ để ngăn chặn xói mòn đất, trồng cây che bóng lấy gỗ. Cùng với đó, hỗ trợ ghép cải tạo giống cà phê già cỗi bằng giống cải tiến.

Dự án đã thử nghiệm một số hệ thống trồng xen cho mắc ca, tạo băng cỏ để ngăn chặn xói mòn đất, trồng xen canh với cây thức ăn gia súc, cà phê, gừng, lạc. Dự án cũng hỗ trợ các sáng kiến về mô hình thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua, phân ủ tại các thôn thí điểm; hỗ trợ chuỗi giá trị thịt bò có liên hệ với du lịch nông nghiệp sinh thái…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 2/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Tây Bắc phát triển nông nghiệp sinh thái - tuần hoàn  - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate