Báo cáo về thực trạng và chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Công ty tư vấn Kinh tế tuần hoàn CL2B Advisory cho rằng Việt Nam bước đầu đã hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho kinh tế tuần hoàn.
Theo CL2B Advisory Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đã đạt 650.300 tỷ đồng; trong đó có hơn 45% dành cho các dự án năng lượng tái tạo và gần 30% cho nông nghiệp xanh. Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến kinh tế tuần hoàn trên nhiều lĩnh vực.
Chia sẻ tại hội nghị “Vietnam Circular Economy in Action- Hành động hướng tới Kinh tế tuần hoàn- VCEA 2024” diễn ra mới đây, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM Daniel Stork nhận định: Dù nền kinh tế của một quốc gia có trở nên tuần hoàn đến đâu cũng không thể đạt đến tiềm năng cao nhất nếu phát triển một cách đơn lẻ. Đó là lý do tại sao Hà Lan cam kết chia sẻ, truyền cảm hứng và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác để cùng tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
VCEA 2024 do CL2B Advisory tổ chức đã nhấn mạnh vai trò tiên phong của kinh tế tuần hoàn trong việc phát triển bền vững tại Việt Nam.
Với chủ đề “Hành động liên tục,” VCEA 2024 đề cao tầm quan trọng của việc tích hợp các sáng kiến, giải pháp tuần hoàn vào hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, bao bì và may mặc.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Còn rất nhiều điều cần phải làm để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng và phát triển các hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Theo bà Lê Kim, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CL2B Advisory, kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo cơ hội chuyển hóa doanh nghiệp, mà còn là sự thay đổi cần thiết trong cách chúng ta nhìn nhận về việc phát triển kinh tế xã hội. Hướng tới tương lai đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách sáng tạo dựa trên dữ liệu, chính sách minh bạch.
“Chúng tôi mong muốn dẫn đầu sự chuyển đổi này bằng việc bứt phá những rào cản kinh tế, xã hội và công nghệ dựa trên sự tôn trọng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội”, bà Lê Kim nhấn mạnh.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thông tin: Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung liên quan đến việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Hai năm qua, thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án kinh tế tuần hoàn, các cơ quan đã có nhiều nỗ lực triển khai các nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoa Cương cũng thừa nhận còn rất nhiều điều cần phải làm để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng và phát triển các hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Trong khuôn khổ VCEA 2024 đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề trong đó phiên về tạo dựng một tương lai bền vững: tuần hoàn hóa ngành dệt may.
Trong 50 năm qua, ngành sản xuất sợi dệt toàn cầu đã tăng vọt từ 25 triệu tấn vào năm 1970 lên khoảng 125 triệu tấn hiện nay, chủ yếu do sự phát triển của thời trang nhanh. Việc tìm hiểu cách các thương hiệu thời trang có thể giúp thúc đẩy tính tuần hoàn qua việc đổi mới vật liệu và sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất bền vững, cũng như xây dựng các chiến lược thị trường tiên tiến.
Hiện nay, ngày càng có nhiều sự quan tâm từ các thương hiệu toàn cầu đối với thị trường thời trang Việt Nam, cũng như cách để khuyến khích các thương hiệu địa phương áp dụng những thực hành tuần hoàn.
Các chuyên gia trên thế giới có chung quan điểm: vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn là mối quan tâm, lo ngại của nhiều quốc gia. Môi trường bị tổn thương làm cho cuộc sống của con người bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất trở nên kém hiệu quả.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Đó là lời giải của bài toán làm thế nào để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.