April 03, 2025 | 16:38 GMT+7

Thách thức phát thải và dấu chân carbon khổng lồ đằng sau vẻ hào nhoáng của ngành thời trang

Bảo Huy

Chiếm 4% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, ngành thời trang đang đối mặt với thách thức lớn về khí hậu và phát triển xanh. Tuy nhiên, với sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, ngành công nghiệp này có thể giảm một nửa lượng phát thải, mở ra cơ hội tái định hình tương lai sáng tạo và bền vững…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngành thời trang là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu, chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải- tương đương với tổng lượng phát thải hằng năm của Pháp, Đức và Anh cộng lại, theo nghiên cứu của Đại học Oxford. Dấu chân carbon khổng lồ này bắt nguồn từ chuỗi sản xuất, phân phối và xử lý sản phẩm thời trang phức tạp và tiêu tốn nhiều năng lượng...

DẤU CHÂN CARBON KHỔNG LỒ

Phân tích chi tiết dấu chân carbon của ngành cho thấy 70% lượng phát thải đến từ các hoạt động sản xuất thượng nguồn, bao gồm chế tác nguyên liệu, xử lý vải và gia công sản phẩm. Những quy trình này tiêu tốn lượng lớn nước, điện và nhiệt- phần lớn vẫn dựa vào nhiên liệu hóa thạch. 

Khoảng 20% lượng phát thải xuất phát từ hoạt động của các thương hiệu, như hậu cần, vận hành bán lẻ, đóng gói và vận chuyển sản phẩm. Việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nhanh và vận tải hàng không càng làm gia tăng tác động môi trường. 

Khoảng 10% lượng phát thải đến từ giai đoạn sử dụng và thải bỏ sản phẩm, bao gồm giặt, sấy và xử lý quần áo khi hết vòng đời. Nhiều sản phẩm thời trang cuối cùng bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, góp phần gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên. 

 
Nếu không có các biện pháp giảm phát thải đáng kể, lượng khí nhà kính (GHG) của ngành thời trang dự kiến sẽ tăng từ 2,1 tỷ tấn năm 2018 lên 2,7 tỷ tấn vào năm 2030.

Với lượng phát thải đáng kể ở mọi giai đoạn, ngành thời trang cần một chiến lược đa chiều để giảm thiểu tác động. Áp dụng các giải pháp bền vững, đổi mới công nghệ và cải tổ mô hình sản xuất sẽ là chìa khóa để ngành hướng đến các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Nếu không có các biện pháp giảm phát thải đáng kể, lượng khí nhà kính (GHG) của ngành thời trang dự kiến sẽ tăng từ 2,1 tỷ tấn năm 2018 lên 2,7 tỷ tấn vào năm 2030. Mức tăng này sẽ khiến ngành thời trang đi chệch hướng so với lộ trình giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5°C theo Thỏa thuận Paris, làm gia tăng áp lực đối với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Giải quyết vấn đề đòi hỏi một nỗ lực đồng bộ trên toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất nguyên liệu đến hoạt động bán lẻ và thói quen tiêu dùng. Nếu hành động có trọng tâm, ngành thời trang có thể cắt giảm một nửa lượng phát thải, đưa con số này xuống còn 1,1 tỷ tấn vào năm 2030, theo tính toán của McKinsey & Company và Global Fashion Agenda.

Để đạt được mục tiêu này, ngành cần những thay đổi mạnh mẽ và tức thời trên nhiều khía cạnh, tập trung vào việc khử carbon trong chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững, áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

3 CHIẾN LƯỢC QUAN TRỌNG GIẢM PHÁT THẢI, KHỬ CARBON

Một trong những giải pháp hiệu quả nhất để cắt giảm khí thải là tập trung vào các hoạt động thượng nguồn. Giải quyết tốt ở khâu này có thể giảm tới 60% tổng mức phát thải tiềm năng, theo McKinsey & Company và Global Fashion Agenda. Điều này đòi hỏi 3 chiến lược chính:

Thứ nhất, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và sản xuất tiết kiệm năng lượng. Ngành thời trang phát thải lớn nhất từ khâu sản xuất dệt may bởi điện than và máy móc lạc hậu vẫn được sử dụng phổ biến. Nếu chuyển sang 100% năng lượng tái tạo trong các nhà máy dệt và xưởng may, ngành có thể giảm 703 triệu tấn GHG vào năm 2030.

Ngoài ra, đầu tư vào hiệu suất năng lượng- tối ưu hệ thống sưởi, thông gió, điều hòa không khí (HVAC), cải tiến động cơ trong nhà máy dệt và cắt giảm lãng phí vải sẽ tiếp tục giúp giảm phát thải đáng kể. 

Ngành thời trang đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng.
Ngành thời trang đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng.

Thứ hai, sản xuất và xử lý nguyên liệu theo hướng bền vững. Nguyên liệu thô là một trong những nguồn phát thải lớn của ngành thời trang, nhưng có thể được giảm thiểu thông qua các biện pháp phù hợp. Đối với loại vải có mức phát thải cao như polyester, việc cải thiện 20% hiệu suất năng lượng trong quá trình sản xuất và thay thế lò hơi than bằng lò điện có thể giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải.

Trong canh tác bông, áp dụng phương pháp nông nghiệp bền vững để giảm 40% lượng phân bón và thuốc trừ sâu sẽ giúp hạn chế khí thải nitơ- một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc ưu tiên sử dụng sợi tái chế, bông hữu cơ và vật liệu tổng hợp sinh học sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu có mức phát thải cao, giúp ngành thời trang phát triển theo hướng bền vững hơn.

Thứ ba, giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất. Chuỗi cung ứng dệt may hiện tại có mức lãng phí vật liệu đáng kể ở nhiều khâu. Nếu tối ưu hóa thiết kế, cắt giảm hao hụt trong sản xuất vải và áp dụng công nghệ tái chế dệt tiên tiến, ngành có thể ngăn chặn 24 triệu tấn GHG phát thải mỗi năm.

Việc áp dụng mô hình cung ứng tuần hoàn, như tái chế vải thành vải mới (textile-to-textile recycling) và sản xuất không rác thải (zero-waste manufacturing) sẽ giúp gia tăng hơn nữa hiệu quả giảm phát thải.

CẢI THIỆN DẤU CHÂN CARBON TỪ LOGISTICS, BÁN LẺ, BAO BÌ VÀ NGƯỜI DÙNG

Ngoài ra, các hoạt động của thương hiệu, bao gồm vận chuyển, bán lẻ và bao bì, chiếm 20% tổng lượng phát thải của ngành thời trang, có tiềm năng lớn cải thiện dấu chân carbon và tối ưu hóa chi phí.

Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện giao thông vận tải và chuỗi cung ứng. Hiện nay, ngành thời trang sử dụng vận tải hàng không cho một phần nhỏ tổng khối lượng hàng hóa, nhưng phương thức này lại chiếm tới 17% lượng phát thải toàn ngành do cường độ phát thải cao.

Nếu chuyển sang 90% vận tải đường biển và chỉ 10% vận tải hàng không, ngành có thể giảm 39 triệu tấn GHG mỗi năm. Không những thế, các chiến lược như chuỗi cung ứng khu vực, sản xuất gần thị trường tiêu thụ (nearshoring) và tối ưu hóa logistics bằng công nghệ số cũng giúp nâng cao hiệu suất vận chuyển, giảm chi phí và cắt giảm lượng phát thải không cần thiết.

Việc mở rộng nền tảng thương mại tái chế có thể giúp thị phần thời trang tuần hoàn tăng từ 7% lên 12%, loại bỏ 143 triệu tấn GHG.
Việc mở rộng nền tảng thương mại tái chế có thể giúp thị phần thời trang tuần hoàn tăng từ 7% lên 12%, loại bỏ 143 triệu tấn GHG.

Bên cạnh đó, hiệu suất năng lượng bán lẻ và giảm thiểu bao bì đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải. Các cửa hàng bán lẻ, kho hàng và trung tâm phân phối tiêu thụ lượng điện lớn để chiếu sáng, sưởi ấm và làm mát. Việc chuyển sang đèn LED, tối ưu hóa hệ thống HVAC và sử dụng năng lượng tái tạo theo ước tính có thể giúp loại bỏ 52 triệu tấn GHG vào năm 2030.

Đồng thời, nếu các thương hiệu tăng 80% hàm lượng tái chế trong hộp giấy và túi nhựa, ngành có thể tiết kiệm thêm 5 triệu tấn GHG mỗi năm. Một vấn đề quan trọng khác là sản xuất dư thừa và tỷ lệ hoàn trả hàng trong thương mại điện tử.

Hiện nay, 40% sản phẩm thời trang được bán với mức giá giảm do sản xuất dư thừa. Bằng cách ứng dụng dự báo nhu cầu dựa trên dữ liệu, quản lý hàng tồn kho thông minh và mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng, ngành có thể giảm 158 triệu tấn GHG bằng cách cắt giảm sản xuất không cần thiết.

Ngoài những cải tiến từ phía doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm dấu chân carbon của ngành, đặc biệt trong quá trình sử dụng và xử lý sản phẩm, vốn chiếm 10% tổng phát thải. Một trong những giải pháp hiệu quả là thúc đẩy các mô hình thời trang tuần hoàn như mua lại, cho thuê và sửa chữa.

Theo đó, cứ 5 món đồ thời trang thì 1 món nên được giao dịch qua các mô hình tuần hoàn. Việc mở rộng nền tảng thương mại tái chế có thể giúp thị phần thời trang tuần hoàn tăng từ 7% lên 12%, loại bỏ 143 triệu tấn GHG. Ngoài ra, các dịch vụ cho thuê quần áo và sửa chữa chuyên nghiệp cũng giúp kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm lượng quần áo bị thải bỏ và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, thói quen giặt giũ cũng có thể tác động đáng kể đến lượng phát thải. Chỉ cần giặt ở nhiệt độ dưới 30°C, giảm 1/6 số lần giặt và phơi khô tự nhiên thay vì sử dụng máy sấy, người tiêu dùng có thể giúp giảm 186 triệu tấn GHG.

Các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực này. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần thúc đẩy các thực hành bền vững và tiêu dùng có ý thức, đồng thời cung cấp các ưu đãi tài chính và hỗ trợ các biện pháp giảm phát thải có tiềm năng lớn trong ngành công nghiệp thời trang.

Các chính sách khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến quy trình sản xuất và thúc đẩy sự đổi mới xanh sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu khí nhà kính. Các nhà đầu tư có thể đóng góp vào quá trình này bằng cách khuyến khích các sáng kiến giảm phát thải trong các công ty thuộc danh mục đầu tư, đồng thời tạo áp lực yêu cầu các công ty này minh bạch về lượng khí thải và thúc đẩy sự đổi mới hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate