Tăng trưởng xanh, phát triển xanh được Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) xác định là chiến lược phát triển tương lai. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến nền kinh tế xanh, giảm phát thải CO2, tiến tới Net Zero,…
Những bước đi chủ động mà TP.HCM đang triển khai thực hiện vừa tạo động lực phát triển mới, vừa góp phẩn vào mục tiêu chung của quốc gia.
TỪ HỒI SINH NHỮNG DÒNG KÊNH “CHẾT”…
Với tổng chiều dài khoảng 1.000 km, hệ thống kênh, rạch, sông ngòi ở TP.HCM đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự hình thành và phát triển Sài Gòn – TP.HCM, lịch sử cũng như hiện tại.
Sau các dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến kênh, rạch dài và ô nhiễm nặng như: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gồm, Tàu Hủ - Bến Nghé, TP.HCM đã và đang tiếp tục triển khai hàng loạt dự án quan trọng khác nhằm “trả lại” sự sống cho những dòng kênh “chết”.
Một trong những dòng kênh “chết” nổi tiếng nhất từ hai thập kỷ trở về trước của Sài Gòn – TP.HCM là dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dài khoảng 10 km, bắt đầu từ phường 4, quận Tân Bình (đầu nguồn), chạy qua các quận Phú Nhuận, quận 3, quận 1 và quận Bình Thạnh, đổ ra sông Sài Gòn.
Trong giai đoạn 1993 – 1998, TP.HCM đã tiến hành cải tạo, chỉnh trang bằng việc giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song chạy dọc kênh.
Sau hơn 10 năm thi công, công trình được khánh thành vào ngày 18/8/2012. Hiện nay, người dân thành phố và du khách đã có thể cảm nhận được màu xanh cùng sức sống tươi trẻ của dòng nước, của hai hàng cây dọc tuyến, của sự nhộn nhịp cuộc sống hằng ngày…
Tiếp theo là dự án cải tạo và nâng cấp tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gồm có tổng chiều dài khoảng 19 km, chạy qua các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú. Dự án được khởi công đầu năm 2000, sau 5 năm thi công thì đến tháng 4/2015 đã hoàn thành, góp phần làm thay đổi bộ mặt dân sinh, văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư cả một khu vực rộng lớn.
Dự án cải tạo kênh Nước Đen thuộc địa bàn quận Bình Tân được triển khai trong giai đoạn 2020 – 2022, hiện đã về đích góp phần làm thay đổi cảnh quan và môi trường dọc tuyến.
Một dự án quan trọng khác là dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé có tổng chiều dài gần 10 km, chạy từ quận 8 qua các quận 4, 5 và quận 1 đổ ra sông Sài Gòn. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, còn một số hạng mục đang tiếp tục hoàn thiện.
“Đại dự án” xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, với tổng kinh phí hơn 8.200 tỷ đồng, đang được triển khai tại các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án được kỳ vọng vào hoàn thành vào năm 2025 sẽ đổi thay bộ mặt đô thị cho toàn bộ khu vực có diện tích khoảng 14.900 ha.
Một số dự án cải tạo, chỉnh trang khác như rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng… đang được thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng.
Việc hồi sinh những dòng kênh “chết”, cùng các dự án khác đang tiếp tục triển khai là một minh chứng sinh động và rõ nét cho nỗ lực và quyết tâm của nhân dân và chính quyền TP.HCM trong việc xanh hóa kênh rạch, xanh hóa thành phố trong thời gian qua.
… ĐẾN ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT XANH
Nhân tố trọng tâm của sản xuất xanh chính là doanh nghiệp. Vì vậy, trong năm 2024, TP.HCM tập trung xây dựng khung chính sách đồng bộ, bám sát thực tiễn, làm cơ sở để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp.
TP.HCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Một kết quả nghiên cứu được công bố mới đây của Viện Môi trường - Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.
Có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp, khoảng gần 20 triệu tấn CO2; giao thông vận tải với khoảng hơn 13 triệu tấn CO2; còn lại là các sinh hoạt và hoạt động khác.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh là chiến lược phát triển tương lai của Thành phố nhằm xanh hóa nền kinh tế, hướng đến sự thịnh vượng kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng xã hội, thăng tiến các giá trị, góp phần vào mục tiêu giảm tăng nhiệt toàn cầu.
Và hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang tận dụng tốt cơ chế ưu đãi của TP.HCM dành cho doanh nghiệp và sản phẩm xanh; tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Thành phố, nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất.
Ngoài ra, có thể kể thêm là chương trình Danh hiệu Doanh nghiệp xanh được phát động triển khai từ năm 2023. Đến nay chương trình đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, phát huy vai trò chủ động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, tạo lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp tham gia, cộng đồng cư dân thụ hưởng.
Cụ thể, chương trình Danh hiệu Doanh nghiệp xanh năm 2023 đã xét chọn và trao danh hiệu cho 90 doanh nghiệp tiêu biểu, hiện chương trình năm 2024 cũng vừa được triển khai.
Mục đích của chương trình do Ủy ban nhân dân TP.HCM chủ trì nhằm vào 3 nội dung cốt lõi: Tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững; và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Cam kết hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. TP.HCM đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, vì vậy doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Cùng với việc không ngừng làm xanh sạch môi trường, những chính sách tích cực và thiết thực của TP.HCM nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thành phố chuyển đổi xanh sẽ từng bước đưa Thành phố mang tên Bác trở thành một địa chỉ xanh đúng nghĩa.