Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal của ngành giao thông vận tải đã đặt ra lộ trình chuyển đổi từ nay đến năm 2050.
Cụ thể, từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030 tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đến năm 2050, 100% xe buýt và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh, bảo đảm thực thi cam kết Net Zero tại Hội nghị COP26.
Chủ trương chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu sang khí thiên nhiên nén CNG được Ủy ban nhân dân TP.HCM triển khai từ năm 2014 theo đề án thay thế 1.680 xe buýt mới, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn mua phương tiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020- 2030, TP.HCM đã đưa ra mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030, dần tiến đến đạt mục tiêu phù hợp với quyết định 876 nói trên. Thành phố cũng dự kiến đến năm 2030 sẽ có 1.874 xe buýt chuyển đổi sang năng lượng điện, năng lượng xanh.
Theo một thống kê gần đây, tính đến cuối năm 2023, TP.HCM có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông; trong đó có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 xe hơi các loại, hơn 2 triệu xe vãng lai của người dân địa phương khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm, thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon; riêng ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và giao thông vận tải khoảng 13 triệu tấn.
TP.HCM hiện có 138 tuyến buýt với 2.209 xe; trong đó, buýt sử dụng trên các tuyến đa số chạy dầu diesel (1.663 xe), 528 xe buýt chạy khí CNG, và chỉ có 18 xe buýt điện.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết kế hoạch chuyển đổi xe buýt được thực hiện từ năm 2025 và kết thúc vào năm 2030. Trong thời gian này sẽ có khoảng 2.770 xe buýt điện được triển khai, gồm 1.663 buýt được thay thế cho các tuyến buýt hiện hữu và 1.108 xe còn lại được đầu tư mới cho các tuyến mở mới.
Thành phố cũng có kế hoạch xây dựng 25 trạm sạc điện trên toàn địa bàn, trong đó mỗi trạm sẽ được trang bị 269 trụ sạc (4 thiết bị sạc/trụ), công suất mỗi trụ là 480 kW.
Ngoài ra, thành phố cũng có các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút các đơn vị vận tải tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Ví dụ, với đầu tư buýt điện sẽ được vay tối đa 85% tổng mức đầu tư dự án với lãi suất cố định 3%/năm. Xe điện mới nhập khẩu sẽ được miễn phí trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 5 năm đầu, miễn 100% thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng…
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ngoài công tác chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch, thời gian qua, Sở đã triển khai mô hình thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở quận 1 với 43 trạm và 388 xe đạp công cộng, trung bình mỗi ngày thu hút được 700 người đăng ký mới.
“Đây là phương tiện giao thông xanh không những đáp ứng nhu cầu đi lại của số đông người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP.HCM khẳng định.
Trong kế hoạch chuyển đổi giao thông xanh, nhóm nghiên cứu phát triển giao thông xanh Cần Giờ thuộc Trường đại học Việt Đức cũng cho biết đang tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông ít phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, khuyến khích người dân dùng xe điện, xây các trạm sạc điện (trạm giao thông xanh); đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho người đi bộ, đi xe đạp; đầu tư xe máy điện và 100% số xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, huyện Cần Giờ phải tiên phong thí điểm các chính sách về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh.
Bên cạnh chuyển đổi xe sử dụng năng lượng xanh và sạch, vấn đề ô nhiễm ánh sáng từ đèn giao thông, đèn chiếu sáng đô thị cũng đang là một thách thức lớn đối với TP.HCM. Theo đó, ánh sáng bị ô nhiễm từ rất nhiều nguồn sáng như đèn đường giao thông, biển quảng cáo của các cửa hàng, biển quảng cáo tấm lớn, đèn trang trí, đèn của các phương tiện tham gia giao thông…
Các nhà khoa học định nghĩa ô nhiễm ánh sáng là việc sử dụng ánh sáng nhân tạo không đúng cách hoặc quá mức cần thiết gây ra các hiện tượng chói lóa, giảm tầm nhìn về đêm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái tự nhiên.
Nhằm khắc phục những bất cập của ô nhiễm ánh sáng đô thị, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mới đây, dự án “Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero” có sự tham gia phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam,… đã được công bố triển khai.