Một nhóm gồm 16 nhà kinh tế học từng đoạt giải thưởng Nobel đã ký vào một lá thư chung đề ngày 25/6 với nội dung cảnh báo về những rủi ro kinh tế mà họ cho là sẽ xuất hiện nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, bao gồm khả năng trỗi dậy của lạm phát.
“Mỗi người trong chúng tôi có một quan điểm khác nhau về từng nội dung cụ thể của các chính sách kinh tế khác nhau, nhưng chúng tôi đều nhất trí rằng chương trình nghị sự kinh tế của ông Joe Biden là ưu việt hơn so với của ông Trump”, hãng tin CNBC dẫn nội dung của lá thư.
“Một một nỗi lo đúng đắn là lo ngại rằng ông Donald Trump sẽ châm ngòi cho lạm phát bùng lại thông qua chủ trương tài khoá bất cẩn của ông ấy”, nhóm học giả kinh tế theo trường phái cấp tiến chính trị nhận định.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Trump đã đề xuất đưa chương trình giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông trở thành vĩnh viễn, áp thuế quan lên toàn bộ hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ - trong đó hàng Trung Quốc sẽ chịu thuế suất dao động từ 60-100% - và gây sức ép đòi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một cơ quan vốn có vai trò độc lập, phải cắt giảm lãi suất.
Giới chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích ở Phố Wall đều cho rằng nếu một trong số hoặc tất cả các đề xuất này của ông Trump trở thành hiện thực, lạm phát ở Mỹ đều sẽ leo thang. Hiện tại, lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed, dù đã giảm nhiều kể từ mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ thiết lập vào năm 2022.
Nhà kinh tế Joseph Stiglitz, người giành giải Nobel vào năm 2001, dẫn đầu nỗ lực đi đến bức thư nói trên. Cùng ông ký tên vào bức thư này còn có các nhà kinh tế học George Akerlof, Sir Angus Deaton, Claudia Goldin, Sir Oliver Hart, Eric Maskin, Daniel McFadden, Paul Milgrom, Roger Myerson, Edmund Phelps, Paul Romer, Alvin Roth, William Sharpe, Robert Shiller, Christopher Sims và Robert Wilson.
“Các tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, gồm Evercore, Allianz, Oxford Economics và Viện Peterson, đều dự báo rằng nếu ông Trump được thực thi chương trình nghị sự của ông ấy, lạm phát sẽ tăng”, lá thư viết.
Ông Stiglitz cho biết ông cảm thấy cần thiết phải khởi xướng lá thư này sau khi chứng kiến nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy cử tri tin tưởng vào ông Trump hơn ông Biden trong vấn đề điều hành nền kinh tế.
“Nhiều người nghĩ rằng ông Trup sẽ tốt hơn cho nền kinh tế so với ông Biden. Tôi nghĩ điều quan trọng là người Mỹ cần biết rằng ít nhất một nhóm nhà kinh tế học đáng tin cậy rất không đồng tình với quan điểm đó”, ông Stiglitz nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC.
Việc các nhà kinh tế học chọn thời điểm ngày 25/6 để đưa ra bức thư nói trên là rất đáng chú ý, bởi chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden trong cuộc bầu cử năm nay. Cuộc tranh luật sẽ diễn ra ở Atlanta dưới sự chủ trì của kênh CNN, được dự báo sẽ dành nhiều thời gian cho chủ đề kinh tế, đặc biệt là lạm phát.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump phủ nhận mạnh mẽ quan điểm của nhóm nhà kinh tế học nói trên. “Người Mỹ không cần những nhà kinh tế giành giải Nobel - một giải thưởng vô nghĩa và xa rời thực tiễn - phải nói với họ là vị tổng thống nào sẽ giúp ví của họ có thêm tiền”, phát ngôn viên Karoline Leavit của chiến dịch nói trong một tuyên bố gửi CNBC.
Thời ông Trump, 4 năm thì có 3 năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở thời điểm tháng 12 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden nhanh chóng nắm bắt cơ hội để quảng bá lá thư của các nhà kinh tế học. “Các chuyên gia kinh tế hàng đầu, những người giành giải Novvel, và các lãnh đạo doanh nghiệp đều biết rằng nước Mỹ không thể để cho chương trình nghị sự kinh tế nguy hiểm của ông Trump trở thành hiện thực”, một tuyên bố viết.
Lá thư của nhóm nhà kinh tế học chứa đựng một quan điểm chính trị và kinh tế khác biệt so với của chính họ trước kia. Nhiều nhà kinh tế trong số này đã ký một lá thư vào tháng 9/2021 bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn) của ông Biden. Các nhà phê bình ở thời điểm đó cho rằng kế hoạch chi tiêu khổng lồ này sẽ đẩy lạm phát tăng.
Khi đó, ông Stiglitz nhận thấy một số người “kích động nỗi sợ hãi lạm phát như một lý do để không ủng hộ” kế hoạch đầu tư mà ông Biden đưa ra. “Quan điểm này là thiển cận”, ông Stiglitz nói trong một tuyên bố.
Lần này, ông Stiglitz và các nhà kinh tế học cùng ký bức thư nói trên lại có một quan điểm thận trọng hơn về lạm phát, sau khi nền kinh tế Mỹ trải qua một thời kỳ lạm phát cao ngất ngưởng đòi hỏi Fed phải tăng lãi suất dồn dập để chống lại.
Một nguyên nhân quan trọng đẩy giá cả leo thang ở Mỹ những năm gần đây là tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 dẫn tới hệ thống thương mại toàn cầu không thể đáp ứng kịp nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, chính nhu cầu này là kết quả của một nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch tốt hơn so với dự báo - nhờ các khoản kích cầu hào phóng của Chính phủ Mỹ.
Ông Stiglitz lập luận rằng chính quyền ông Biden đã nỗ lực thành công trong việc kéo lạm phát giảm khỏi đỉnh. “Lạm phát đã được kéo xuống một cách nhanh chóng. Tôi xin nói rằng đó là nhờ ông Biden”, ông Stiglitz nhấn mạnh.