Với sự bùng nổ trong những năm gần đây, thương mại điện tử đang là hình thức kinh doanh tiềm năng được nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ hướng tới. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng cũng như cách thức bán hàng của các doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng bứt phá cho thương mại điện tử ở Việt Nam.
Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu người. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng dự báo sẽ đạt từ 260-285 USD/người trong năm nay.
Theo dữ liệu thu thập từ báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Grab, Beamin, Tiki, Gojek, Sendo, Foody/ShopeeFood, Be, AhaMove.
Thời gian qua, Shopee và Lazada cũng liên tục dẫn đầu trong các bảng xếp hạng thống kê thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam của các đơn vị nghiên cứu.
Như vậy, trong số top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, ngoài những sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki…, xuất hiện nhiều tên tuổi các ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn như Grab, Be, Gojeck, Beamin… Grab và Beamin chỉ đứng sau 2 sàn Shopee và Lazada nắm thị phần lớn nhất.
Điều này cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Internet Việt Nam và thương mại điện tử đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường nói chung và các ứng dụng gọi xe, giao nhận đồ ăn nói riêng. Khi ngày càng nhiều người dân chuyển sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử phục vụ nhu cầu hàng ngày, các cửa hàng kinh doanh biết tận dụng sức mạnh của các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đang có nhiều cơ hội lớn để khôi phục và phát triển mạnh trong thời gian tới.
Về thị phần doanh thu của các website, ứng dụng cung cấp thương mại điện tử, số liệu thống kê cho thấy 10 doanh nghiệp dần đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử chiếm tới 95% thị phần doanh thu của các website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam. Như vậy các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 5% thị phần.
Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 5 năm 2019, chỉ sau hơn 3 năm hoạt động tại Việt Nam, ứng dụng Beamin đã phát triển cung cấp dịch vụ trên khắp 21 tỉnh thành, lọt vào top 5 các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022. Ứng dụng này cũng là doanh nghiệp trẻ nhất góp mặt trong danh sách.
Với Be, từ một ứng dụng gọi xe ra mắt năm 2019 đã mở rộng hệ sinh thái sang giao hàng, giao thức ăn... Hãng Be cho biết, đã có hơn 20 triệu lượt tải, trung bình xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50%.
Gojek nằm vị trí thứ 6 trong danh sách top 10 doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất trong mảng cung cấp dịch vụ. Nền tảng này hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ chở khách, giao hàng, giao đồ ăn... trong đó ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc của mảng giao đồ ăn trực tuyến.
Đại diện Gojek Việt Nam cho biết, doanh số trung bình của nhà bán hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood nửa đầu năm 2022 tăng gần gấp 3 so cùng kỳ năm 2021. Tổng lượng đơn hàng đặt qua nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood 6 tháng đầu năm tăng 72% so cùng kỳ năm 2021. Nửa đầu năm, lượng người dùng đặt món trên nền tảng này tăng 66% so cùng kỳ năm ngoái, với lượng người dùng mới tăng 35%. Doanh số trung bình của các nhà bán hàng tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, các cửa hàng ở Hà Nội ghi nhận doanh thu tăng mạnh ở mức gần 5 lần.