Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ mới đây dự báo đến năm 2050, số người mắc bệnh ung thư có thể tăng 77% trên toàn thế giới. Dân số bùng nổ và già hóa dân số gia tăng được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng ung thư cho các nước trên thế giới.
Viện dẫn báo cáo trên, Tiến sỹ William Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), chỉ rõ số người mắc phải căn bệnh nan y này sẽ tăng lên tới 35 triệu người vào năm 2050. Ngoài ra, ACS cũng cảnh báo, nếu nhiều người sử dụng thuốc lá hơn và nhiều người mắc bệnh béo phì hơn, số ca ung thư dự kiến có thể còn cao hơn, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.
Dữ liệu quan sát ung thư toàn cầu của Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) vào năm 2022 cho thấy 10 loại ung thư hàng đầu chiếm khoảng 2/3 số ca mắc mới và tử vong trên thế giới. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất. Ung thư vú ở phụ nữ đứng thứ hai, tiếp theo là ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày. Ung thư phổi cũng đứng đầu về khả năng gây tử vong (1,8 triệu ca tử vong, chiếm 18,7% tổng số ca tử vong do ung thư).
Giáo sư chuyên khoa ung thư Harold Burstein từ Trường Y Harvard (Mỹ) nhận định trên tờ Medical Today: "Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở nhiều nơi trên thế giới”. Mối quan tâm hiện tại của các chuyên gia cũng tăng lên xung quanh bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại 112 quốc gia.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các nước đang phát triển thường thiếu những công cụ để phát hiện ung thư sớm, đưa ra phương thức điều trị ung thư phù hợp và ngăn chặn căn bệnh này phát triển theo những cách được thực hiện ở các quốc gia khác. Báo cáo cũng nêu chi tiết số quốc gia có thu nhập thấp ghi nhận tỷ lệ tử vong do ung thư cao dù tỷ lệ mắc ở mức thấp, phần lớn là do không có khả năng tiếp cận các công cụ sàng lọc để phát hiện bệnh sớm và thiếu các dịch vụ điều trị tiên tiến.
Tiến sỹ Harold Burstein, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber và là giáo sư tại Trường Y Harvard, cũng cảnh báo ung thư đang là "làn sóng" tấn công các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp. Do đó, việc đối phó với với tỷ lệ mắc bệnh này càng gia tăng, cùng với khả năng phát hiện và sàng lọc bệnh sớm, cũng như phương pháp điều trị sẽ là thách thức lớn đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải.
Tuy vậy, tin vui là vaccine ung thư sẽ sẵn sàng trong 3 năm tới. Đây là lời khẳng định của nhà khoa học Vasily Lazarev thuộc Cơ quan Y tế-Sinh học Liên bang Nga (FMBA). Ông cho biết các trở ngại còn lại chỉ là vấn đề quy định trước khi vaccine được chính thức ra mắt. Ông Lazarev cho biết các loại vaccine ung thư được thiết kế để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Thông thường, trên bề mặt các tế bào ung thư tồn tại các phân tử được gọi là kháng nguyên đặc hiệu ung thư mà các tế bào khỏe mạnh không có. Khi các phân tử này được đưa vào cơ thể thông qua vaccine, chúng sẽ hoạt động như các kháng nguyên. Chúng sẽ cho hệ miễn dịch biết cần tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư có các phân tử này trên bề mặt. Trước đó, tại Diễn đàn Công nghệ tương lai tổ chức ở thủ đô Moscow hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tiết lộ các nhà khoa học Nga “chỉ còn một bước nữa” là bào chế thành công vaccine chống ung thư.
Trong khi đó, theo Health, các nhà khoa học tại Anh đang sử dụng công nghệ tương tự đã tạo ra vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca để phát triển một loại vaccine đầu tiên trên thế giới có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao. Vaccine này hoạt động bằng cách sử dụng một chuỗi ADN để huấn luyện hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt các protein "cờ đỏ", hay các kháng nguyên đột biến, trong các tế bào ung thư phổi. Hiện nhóm nghiên cứu đã được các tổ chức và quỹ nghiên cứu tài trợ 1,7 triệu bảng (2,14 triệu USD) để sản xuất 3.000 liều vaccine.
Vaccine có tên LungVax sử dụng các protein vô hại từ bề mặt tế bào ung thư được gọi là kháng nguyên đột biến (neoantigens). Đây là một loại protein mới hình thành trên tế bào ung thư khi có đột biến xảy ra trong ADN khối u. Khi được đưa vào cơ thể, neoantigens sẽ tác dụng như một "dấu hiệu báo động", giúp hệ thống miễn dịch nhận biết, tiêu diệt các tế bào phổi bất thường, ngăn chặn ung thư phổi.
Theo bà Michelle Mitchell, giám đốc điều hành của Cancer Research UK (Vương quốc Anh), nếu thành công, loại vaccine mới này có thể cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, Giáo sư Mariam Jamal-Hanjani, người sẽ dẫn đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng LungVax, cũng lưu ý, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi vẫn là ngừng hút thuốc.
Tại châu Á, mới đây Ấn Độ đã sản xuất thành công vaccine ngừa virus HPV với giá cả phải chăng, sau gần 20 năm nghiên cứu và thử nghiệm. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn thứ hai ở phụ nữ ở Ấn Độ, ước tính giết chết khoảng 70.000 người mỗi năm - 1/4 gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn thế giới, với khoảng 90% số ca tử vong do căn bệnh này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Được phát triển theo sáng kiến chung giữa chính phủ Ấn Độ và Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), Cervavac là loại vaccine đầu tiên được sản xuất trong nước đã nhận được sự chấp thuận của Tổng cục kiểm soát thuốc Ấn Độ, mở ra cơ hội tiếp cận vaccine cho nhiều người phụ nữ ở đất nước này. Tháng 2 vừa qua, chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng quốc gia, đồng nghĩa với việc sẽ được tiêm miễn phí cho các bé gái từ 9 - 14 tuổi. Sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, Viện Huyết thanh Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu vaccine đến các quốc gia ở châu Phi và khu vực Nam Mỹ .