Quý IV là thời điểm “giáp hạt” với các dịp lễ như Noel, tết dương lịch, tết nguyên đán, vì vậy nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) đã đưa ra nhận định nêu trên, đồng thời dự báo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong ba tháng cuối năm 2022 ước khoảng 69.500 -77.100 chỗ làm việc, là đặc biệt tập trung vào dịp cuối năm nhằm phục vụ sản xuất các đơn hàng tết.
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 56%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố (gồm cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược – cao su) chiếm 19%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm tết, chiếm 15%.
Khảo sát của FALMI cho biết thêm, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động đã qua đào tạo chiếm 84%; trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 16%, cao đẳng 24%, trung cấp 28%, sơ cấp 14%.
Một khảo sát của FALMI tại 23.500 doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên toàn Thành phố cho kết quả, trong tổng nhu cầu hơn 63.000 lao động cầu tuyển dụng có trên 8.000 lao động với mức lương trên 20 triệu đồng ở các vị trí giám đốc, bác sỹ nha khoa, kế toán trưởng. Hơn 5.000 lao động với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng ở các vị trí trưởng nhóm kinh doanh, trưởng bộ phận, nhân viên lập trình, thiết kế đồ họa. Khoảng 17.000 lao động với mức lương 10 - 15 triệu đồng; và chừng 28.000 lao động với mức lương 5 - 10 triệu đồng…
Cũng theo FALMI, trong 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lượt lao động, tăng 36,18% so cùng kỳ năm 2021); trong đó, số chỗ việc làm mới tạo ra là hơn 107.000 chỗ, tăng 30,9% so cùng kỳ.
Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường lao động TP.HCM đã khiến hơn 300.000 lao động về quê tránh dịch. Hiện tại, Thành phố cơ bản đã phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện vẫn thiếu lao động.
Trước đó, báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của TP.HCM trong tháng 9 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 119,0% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số lao động tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số ngành có chỉ số lao động tăng như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 27,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 24,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 17,0%.
Cục Thống kê Thành phố cũng dự báo, trong ba tháng cuối năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có 41,5% đánh giá tốt hơn, 36,3% cho rằng vẫn giữ ổn định trong khi 22,2% cho biết có khó khăn hơn.