Tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều ngày 2/11/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã bàn và ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
CÓ THỂ ÁP DỤNG LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI CÙNG THỜI ĐIỂM CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG
Về lộ trình cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết dự kiến bắt đầu từ 2021 nhưng do tác động của dịch Covid-19 nên đã trình Trung ương cho phép lùi lại thời điểm thực hiện. Theo kế hoạch, cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ 1/7/2024.
Về cải cách chính sách bảo hiểm đã có một số nội dung được thể chế hóa như tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật lao động; còn những nội dung khác tiến hành chậm hơn so với cải cách tiền lương. Dù vậy, nếu kỳ họp 7 thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội thì cũng có thể áp dụng vào thời điểm trùng với cải cách tiền lương.
Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ giảm thời gian đóng- hưởng từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Đây là xu hướng của thế giới hiện tại vì tiền lương ngày càng tăng lên, tỉ lệ đóng "cho cái bánh bảo hiểm" ngày càng to ra, tức là số năm đóng ngày càng ít nhưng tiền đóng thì nhiều.
“Không những vậy, tiền lương tối thiểu vùng của người lao động hầu như năm nào cũng tăng thêm khoảng 6-8%. Thời gian tới khi cải cách tiền lương cũng cải cách cả khu vực công và khu vực tư”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Với trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bản chất của nó là trợ cấp giống như trợ cấp cho người cao tuổi từ ngân sách nhà nước. Về mặt nguyên tắc, độ tuổi được hưởng ngày càng giảm xuống. Trong đó sẽ giảm cho đến khi nào chạm đến tuổi nghỉ hưu thì thôi. Tuy nhiên các mức hưởng sẽ ngày càng tăng lên, tùy thuộc vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay tuổi được hưởng đang là 80 nhưng dự thảo luật này sẽ giảm xuống 75 tuổi. Việc giảm dần độ tuổi và mức hưởng thế nào, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với các ý kiến đại biểu nên có sự linh động, linh hoạt.
Luật này nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ và căn cứ vào khả năng của ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế luật có quy định, có mốc thực hiện bởi hai vấn đề quan trọng nhất là độ tuổi và mức hưởng thì nên linh hoạt để không phải sửa luật về sau. Luật cũng cần phải quy định rõ khoản chi này do ngân sách nhà nước đóng.
NGƯỜI LAO ĐỘNG QUAN TÂM NHẤT VIỆC RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Về rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề người lao động quan tâm nhất. Trong chính sách rút thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm cũng có một phần tác động.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khi làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các nước không cho rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, lưới an sinh của các nước được đảm bảo, thu nhập người dân cao. Còn với Việt Nam sẽ khác nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm đoán mà chỉ có thể thiết kế chính sách theo hướng giữ những người tham gia bảo hiểm xã hội trong hệ thống, hạn chế việc rút chế độ.
Góp ý về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, cho rằng đây là quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Theo ông Sơn, các phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như tờ trình của Chính phủ đã xác định.
Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí về sau.
“Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội”, đại biểu Sơn lưu ý.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên cho rằng đây là nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt. Người đã đóng bảo hiểm xã hội mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình.
Nhà nước lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng, đại biểu đoàn Điện Biên nhìn nhận.
Trong thực tế, tiền đóng bảo hiểm xã hội là để dưỡng già và gắn với bảo hiểm y tế, vốn được chi trả như nhau không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng bảo hiểm xã hội. Với mục tiêu mở rộng, dần hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế thì cuối cùng những người rút bảo hiểm xã hội hưởng 1 lần sẽ vẫn được Nhà nước đảm bảo.
Đại biểu Yên nhấn mạnh yếu tố đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân. Ngay Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chỉ rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
Do đó, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như trong Dự án Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn như: giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng...
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo phương án 2, ban soạn thảo đề xuất là người lao động chỉ được hưởng 50% chế độ khi rút bảo hiểm xã hội một lần, 50% được giữ lại. Ông Phớc băn khoăn cơ sở để cho rút với tỷ lệ 50%.
Lý giải của cơ quan soạn thảo là với phần chủ sử dụng lao động đóng (14%), dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại để khi người lao động quay lại đóng tiếp bảo hiểm xã hội sẽ được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm để có lương hưu.
Bộ trưởng Tài chính đề nghị giữ lại khoản 14% do doanh nghiệp đóng vào quỹ hưu trí, phần còn lại mà doanh nghiệp, người lao động đóng (gồm 8% người lao động đóng, 3% người sử dụng lao động đóng vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) có thể rút ra. Nếu như vậy, người lao động sẽ được rút với mức gần 46%, còn 54% được giữ lại.
Người lao động có thể lấy cả chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp nhưng riêng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng thì phải để lại. Theo Bộ trưởng, nếu được rút bảo hiểm xã hội một lần, chỉ nên cho rút với tỷ lệ 46% đó. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đặt vấn đề về phần chế độ giữ lại như phương án 2 sau bao lâu không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì người lao động được rút nốt?