October 13, 2022 | 10:58 GMT+7

Thời tiết chuyển lạnh, nhiều nước chuẩn bị đối đầu với làn sóng Covid-19 mới

Hoài Phương -

Làn sóng dịch bệnh mới vào cuối năm là điều đã được Tổ chức Y tế thế giới dự báo. Nhiều nước châu Âu đã có số ca tăng mạnh vài tuần qua trong khi châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận số ca đang tăng ở Singapore, Trung Quốc, New Zealand…

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron thống trị mùa hè vừa qua vẫn đang là nguyên nhân chính của phần lớn các ca nhiễm gần đây, nhưng các biến thể phụ mới hơn đang dần phổ biến. Dữ liệu của WHO cho thấy chỉ tại châu Âu, số ca nhiễm tăng đột biến kể từ ngày 26/9 đến ngày 2/10, tăng 8% so với tuần trước đó. Các chuyên gia y tế cảnh báo sự mệt mỏi với đại dịch và mất lòng tin với vaccine hiện có khiến nhiều người không còn sẵn lòng tiêm liều tăng cường.

Số ca nhập viện ở EU và Anh cũng đang tăng trong những tuần gần đây. Trong tuần kết thúc vào ngày 4/10, tỉ lệ nhập viện có triệu chứng do Covid-19 tăng gần 32% ở Ý, trong khi số người phải chăm sóc đặc biệt tăng 21% so với một tuần trước đó. Tuần trước, người đứng đầu cơ quan y tế Pháp cho biết nước này đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 8. Dữ liệu công bố ngày 3/10 cho thấy số ca mắc mới trung bình 7 ngày đạt hơn 45.600, cao nhất kể từ ngày 2/8.

Các loại vaccine nhắm vào Omicron đã ra mắt ở châu Âu vào tháng 9. Tuy nhiên, dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy số liều vaccine được sử dụng theo tuần ở EU chỉ từ 1 - 1,4 triệu liều trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức 6 - 10 triệu liều/tuần hồi đầu năm. Quan chức EU cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là nhận thức rằng đại dịch đã kết thúc, tạo ra cảm giác an toàn sai lệch.

"Dù tình hình không còn nghiêm trọng như một năm trước, song rõ ràng Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Thật không may, các chỉ số đang tăng trở lại tại châu Âu, cho thấy một làn sóng lây nhiễm khác", Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon, cho biết trong một tuyên bố chung.

Tại châu Âu, Pháp đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 8.
Tại châu Âu, Pháp đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 8.

Tại Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia vừa đưa ra một lời cảnh tỉnh đến toàn người dân Mỹ rằng: Đừng ngạc nhiên nếu xuất hiện một biến thể mới, nguy hiểm hơn trong mùa đông sắp tới. Cụ thể, trong một sự kiện với Trung tâm Báo chí Y tế USC Annenberg, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết: “Chúng ta nên dự đoán rằng nhiều khả năng có thể xuất hiện một biến thể khác, trong đó biến thể này sẽ loại bỏ phản ứng miễn dịch mà chúng ta đã có được khi bị nhiễm bệnh và/hoặc được tiêm chủng”.

Theo thống kê, các xu hướng như nhập viện và tử vong hiện đang giảm trên quy mô toàn quốc. Dù vậy, Tiến sĩ Fauci vẫn cảnh báo người Mỹ không nên lơ là cảnh giác, bởi luôn luôn tồn tại “nguy cơ gia tăng” trong những tháng mùa đông. Ông chỉ ra rằng mùa hè năm 2021, khi Mỹ chứng kiến xu hướng đại dịch giảm đi tương đương như hiện nay, biến thể Omicron đã xuất hiện và gây ra một đợt bùng phát kinh hoàng về số ca nhiễm vào mùa đông. Kể từ đó, rất nhiều biến thể phụ của Omicron đã lây lan và thống trị toàn nước Mỹ. Có thể kể đến như BA.5, dòng biến thể phụ hiện đang chiếm khoảng 81,3% tổng số trường hợp ghi nhận.

Theo CNBC, nghiên cứu mới đây cho thấy rằng một số biến thể phụ mới, bao gồm một biến thể được gọi là BA.4.6 dường như có khả năng tránh miễn dịch thậm chí tốt hơn BA.5 – mặc dù vẫn chưa rõ liệu chúng có thể vượt qua BA.5 và trở thành dòng biến thể thống trị của đất nước hay không. Điều đó làm cho việc phát triển liều vaccine tăng cường mới dành cho Omicron trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tiến sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích mọi người, đặt biệt là vào thời điểm của mùa thu nên tiêm loại vaccine mới cập nhật này càng sớm càng tốt”.

Trong khi đó, sau một tuần nghỉ lễ Quốc khánh, số ca mắc Covid-19 đã gia tăng trở lại tại nhiều địa phương của Trung Quốc. Theo Reuters, các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh ghi nhận số ca mắc tăng cao khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các địa phương đã buộc phải siết chặt phong tỏa, kiểm soát dịch nghiêm ngặt.

Nhiều địa phương tại Trung Quốc siết chặt phong tỏa sau kỳ nghỉ Quốc khánh.
Nhiều địa phương tại Trung Quốc siết chặt phong tỏa sau kỳ nghỉ Quốc khánh.

Vài ngày gần đây, mỗi ngày Trung Quốc ghi nhận từ 1.800 đến 2.000 ca, kể cả ca không triệu chứng, cao nhất trong 2 tháng qua. Số ca bệnh cao gấp 3 lần trước kỳ nghỉ lễ. Thượng Hải, Bắc Kinh phát hiện 13 đến 28 ca/ngày. Thành phố Thượng Hải quyết định mỗi tuần xét nghiệm 2 lần cho 25 triệu dân tới tháng 11, phong tỏa những khu vực có ca bệnh trong cộng đồng tại 2 quận. Nguy cơ siết chặt kiểm soát, phong tỏa lại ám ảnh người dân.

Nội Mông tiếp tục phong tỏa thủ phủ Hohhot, khuyến cáo người dân đi du lịch tạm thời không trở về. Để phòng tránh dịch bệnh lây lan từ người du lịch về, thậm chí thành phố Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây còn phong tỏa cả thành phố. Khu tự trị Tân Cương gần như phong tỏa nhiều vùng trong 2 tháng nay nhưng vẫn chưa ổn, ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch mùa màng.

Cũng thuộc châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội y tế Australia (AMA) đã hoãn thực hiện quyết định xóa bỏ quy định bắt buộc cách ly với các trường hợp mắc Covid-19. Trước đó, lãnh đạo Chính phủ, các bang và lãnh thổ của Australia hồi tháng 9 đã nhất trí bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với các trường hợp mắc Covid-19 và dự kiến, quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 14/10. Các địa phương được phép điều chỉnh thực hiện quy định theo quy định y tế công cộng. Tuy nhiên, hiện tại, AMA khẳng định còn quá sớm để xóa bỏ quy định bắt buộc này, đồng thời cảnh báo quyết định này nếu được triển khai sẽ làm bùng phát làn sóng dịch Covid-19 mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate