April 18, 2022 | 08:21 GMT+7

Thời trang cho thuê: Xu hướng mới nổi hậu Covid

Minh Nguyệt -

Dịch vụ cho thuê quần áo, hay còn được gọi là mô hình tiêu dùng cộng tác trong thời trang, có thể giúp kéo dài tuổi thọ của một mặt hàng quần áo, vì mọi người không vứt bỏ nó sau một vài lần mặc…

Dịch vụ cho thuê trang phục và kinh doanh sản phẩm thời trang đã qua sử dụng đều được xem là những mô hình chính yếu cấu thành thời trang tuần hoàn. Nhưng so với sự phát triển nhanh chóng của ngành kinh doanh thời trang đã qua sử dụng, dịch vụ cho thuê trang phục vẫn đang có những bước đi thận trọng.

THEO KỊP XU HƯỚNG MÀ KHÔNG LÃNG PHÍ TIỀN

Khách hàng thế hệ gen Z hiện nay rất quan tâm tới thời trang, nhưng họ cũng quan tâm tới môi trường và yếu tố bền vững trong ngành may mặc. Những người trẻ này không quá ngại khi mặc đồ cũ, hơn thế mọi người cũng nóng lòng muốn ra ngoài cùng những bộ đồ mới sau đại dịch nhưng “túi tiền” thì lại eo hẹp hơn. Bởi vậy, cho thuê đồ thời trang là một xu hướng kinh doanh đang ngày càng nổi trên thị trường hiện nay.

Mặt khác, không chỉ là những bộ cánh trang trọng cho những dịp đặc biệt, những kiểu trang phục thường ngày cũng được người dùng đẩy lên các nền tảng cho thuê với số lượng lớn. Thực tế là, người tiêu dùng mặc đồ, chụp ảnh rồi đăng lên các trang mạng xã hội và họ có thể không muốn mặc lại nữa. Vì vậy họ sẽ tìm cách để có nhiều trang phục khác nhau mà không cần phải mua liên tục. Điều này kích thích nhu cầu cho thuê quần áo tăng khiến cho các hãng bán lẻ lớn cảm thấy hấp dẫn.

Một số ngành hàng như quần áo trẻ em, quần áo bà bầu, trang phục thiết kế... cũng đang rộ lên dịch vụ cho thuê vì đa số người tiêu dùng không muốn đầu tư vào các mặt hàng mà họ có thể không cần tới lâu dài hoặc những người muốn theo kịp xu hướng thời trang nhưng lại không muốn mất nhiều tiền. Một chiếc túi Chanel 3.000 Euro được cho thuê với giá chỉ 18 Bảng một ngày, một chiếc áo khoác của Valentino lên đến gần 1.600 Euro mà chỉ mất 26 Bảng để thuê cho một sự kiện trang trọng… 

Cho thuê đồ thời trang là một xu hướng kinh doanh đang ngày càng nổi trên thị trường hiện nay.
Cho thuê đồ thời trang là một xu hướng kinh doanh đang ngày càng nổi trên thị trường hiện nay.

Vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch và CEO của Ralph Lauren, ông Patrice Louvet nói rằng chương trình cho thuê của hãng với tên gọi “The Lauren Look” là một thử nghiệm để tìm hiểu  thêm những ý kiến trực tiếp từ người tiêu dùng. Wardrobe, công ty ra mắt vào năm 2019, đang cho phép bạn thuê đồ từ tủ quần áo của những người nổi tiếng. Trong khi đó, một trong những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của Wardrobe là Nuuly, cung cấp dịch vụ đăng ký cho phép khách hàng thuê 6 món một tháng với giá cố định 88 USD.

Dave Hayne, Chủ tịch Nuuly, cho biết khách hàng đã ồ ạt quay trở lại sau thời gian dài ngừng mua sắm vì dịch Covid-19. Nuuly từng chuyển sang các trang phục thường ngày khi đại dịch xảy ra, nhưng theo lời ông Hayne “đầu năm nay chúng tôi đã chứng kiến một sự chuyển đổi lớn khi người dùng tìm kiếm các loại trang phục trang trọng”. Bằng chứng là khi mọi người quay lại với nhịp sống sau đại dịch với các buổi tiệc, sự kiện thì các nền tảng dịch vụ cho thuê đã “hụt hơi” với nhu cầu thuê tăng cao.

 
Trong một nghiên cứu về xu hướng thời trang bền vững, Công ty tư vấn Bain & Company dự đoán, đến năm 2030, thời trang đã qua sử dụng sẽ chiếm khoảng 20% doanh số bán của thời trang toàn cầu, trong đó dịch vụ cho thuê trang phục chiếm khoảng 10%.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chuyên gia dự đoán lượng khách hàng cho loại hình thuê trang phục nhỏ hơn so với mua hàng đã qua sử dụng, tiềm năng vẫn hiện diện với 19% khách hàng có kế hoạch sử dụng dịch vụ này trong 5 năm tới, theo nghiên cứu của Globaldata.

VẪN CẦN PHẢI “XANH ” HƠN NỮA

Báo cáo của Bain & Company cũng dự đoán yếu tố “sang trọng bền vững” sẽ là một xu hướng phát triển trong thập kỷ tới, và ngành thời trang cho thuê đang đặt những viên gạch đầu tiên. Trong tương lai gần, xu hướng cho thuê quần áo trực tiếp giữa người với người, trong đó người dùng ký gửi quần áo cho một nền tảng trung gian, có thể sẽ được nhân rộng.

Để các thương hiệu cao cấp tham gia, hiện các công ty công nghệ đang cố gắng thuyết phục các giám đốc thương hiệu thời trang về khả năng lợi nhuận mà dịch vụ này sẽ mang lại. Tên gọi dịch vụ cho thuê  có thể thay bằng “quyền mượn”, “quyền sử dụng” hoặc “tủ đồ trên mây” cho những khách hàng VIP.

Giống như “gian bếp trên mây” mang món ăn đến tận nơi thông qua app thực đơn, “tủ đồ trên mây” có rất nhiều sản phẩm chất lượng từ các thương hiệu xa xỉ mà bình thường người ta chỉ dám mơ ước. Sản phẩm luôn được cập nhật và làm mới mỗi ngày mà không chiếm diện tích tủ đồ thực tế trong mỗi ngôi nhà. Ứng dụng nền tảng công nghệ qua app và website, dịch vụ này giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn trang phục thông qua AI gợi ý dữ liệu, đặt lịch và theo dõi hành trình đơn hàng một cách chủ động.

Tương tự như cách The RealReal đã lôi kéo nhiều thương hiệu xa xỉ vào cuộc chơi bán hàng “second hand”, sự gia tăng nhanh chóng của các ứng dụng hiện đại cho thuê trang phục có thể sẽ thuyết phục được các thương hiệu xa xỉ đầu tư và có tiếng nói trong ngành dịch vụ mới mẻ này. Rent the Runway đã có hơn 750 thương hiệu hợp tác, trong đó có nhiều thương hiệu uy tín như Maison Margiela, Marni và Pyer Moss hoặc Altuzarra.

"Sang trọng bền vững” sẽ là một xu hướng phát triển trong thập kỷ tới, và ngành thời trang cho thuê đang đặt những viên gạch đầu tiên.
"Sang trọng bền vững” sẽ là một xu hướng phát triển trong thập kỷ tới, và ngành thời trang cho thuê đang đặt những viên gạch đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Neil Saunders, chuyên gia phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Globaldata nhận định, thời trang đi thuê là mô hình kinh doanh phức tạp hơn thời trang đã qua sử dụng, vì nó đòi hỏi cấu trúc định giá khác, cũng như quy trình cung ứng và làm sạch riêng biệt. Một nghiên cứu gần đây được xuất bản bởi Tạp chí Khoa học Phần Lan Environmental Research Letters, cũng nghi ngờ việc cho thuê thời trang không hề giúp ngành thời trang “xanh” hơn, dựa trên đánh giá tác động của việc vận chuyển hàng hóa và công nghệ giặt là.

Bà Tamsin Chislett, Giám đốc điều hành và là người sáng lập doanh nghiệp cho thuê Onloan (Anh quốc) cho biết: “Chúng tôi tin rằng có nhiều khía cạnh cần được xem xét kỹ lưỡng để việc cho thuê thời trang trở nên xanh nhất có thể". Các công ty cho thuê thời trang hiện có những cách vận chuyển hàng hóa khác nhau. Hirestreet gửi hàng may mặc qua đường bưu điện, Onloan sử dụng dịch vụ chuyển phát trung tính carbon của DPD. My Wardrobe cho phép khách hàng tới lựa chọn các sản phẩm tại cửa hàng bách hóa tổng hợp Harrods, London… Bên cạnh đó, Onloan và My Wardrobe cho biết họ sử dụng phương pháp giặt ướt và làm sạch bằng CO2 lỏng, đặc biệt để tránh tác động môi trường của việc giặt khô.

Nhà tư vấn thời trang bền vững Alice Wilby thừa nhận rằng bản thân việc giữ quần áo lưu thông là chưa đủ. Phần lớn quần áo cho thuê không được làm bằng vật liệu bền vững và không được sản xuất hợp lý. Việc cho thuê cần được tích hợp vào một hệ thống tuần hoàn của nông nghiệp tái tạo và sản xuất quần áo. Hiện tại, cho thuê thời trang mới chỉ có thể xem như một biện pháp để làm chậm lượng tiêu thụ của khách hàng, nhưng việc trang phục cho thuê ở cuối vòng đời của chúng sẽ được xử lý như thế nào để “xanh” nhất, vẫn còn chưa có lời giải đáp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate