June 09, 2022 | 17:47 GMT+7

Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới

Minh Nguyệt -

Mục tiêu cuối cùng của Nike Re-Creation và các sáng kiến ​​bền vững khác của thương hiệu là hướng tới một tương lai không carbon và không chất phát thải, như được biểu trưng thông qua logo hình chong chóng “Move to Zero”... 

Khi mà ngành thời trang toàn cầu buộc phải “xanh hóa” để phù hợp với xu hướng tiêu dùng, thì Nike cũng đi đầu trong việc tạo sức ảnh hưởng bền vững với những dự án như Nike Grind, Nike Refurbished và Nike Recycling & Donation… Mới đây nhất, thương hiệu thời trang thể thao này đã giới thiệu chương trình Nike Re-Creation như một bước tiến khác đối với tầm nhìn của hãng. Qua đó, ngoài công bố mục tiêu cắt giảm 70% lượng khí thải carbon vào năm 2025, Nike cũng cho thấy mong muốn phát triển các cách tái chế sản phẩm của mình.

Theo Nike, dự án Re-Creation “thu thập các trang phục, sản phẩm cũ và không thể sử dụng, rồi dùng chúng để thiết kế ra các sản phẩm mới và được sản xuất ngay tại địa phương”. Nói cách khác, hãng sẽ sửa chữa, thiết kế lại hoặc tái chế các sản phẩm lỗi mốt hoặc đã bị bỏ đi của các vận động viên địa phương để tạo thành các sản phẩm mới, tiếp tục sử dụng được. Đây là cách Nike khởi xướng một mô hình kinh doanh tuần hoàn mới.

Loạt sản phẩm phát hành đầu tiên từ dự án sẽ là những chiếc áo hoodie lông cừu và áo thun cổ tròn lấy cảm hứng từ văn hóa thể thao Los Angeles - được bán độc quyền tại gian hàng The Grove của Nike. Mỗi tác phẩm là "độc nhất" và được "tái chế" hoặc “khôi phục” bằng cách làm sạch và khâu vá thủ công. Khi cần nhuộm lại, hãng sẽ sử dụng mẫu thuốc nhuộm sinh học thân thiện mới môi trường, quá trình in và trang trí đều đảm bảo không phát sinh khí thải hay chất thải ra nguồn nước.

Nhóm thiết kế của Nike cho rằng, chương trình này có thể truyền một thông điệp tới cộng đồng - đặc biệt là giới trẻ về vẻ đẹp của thời gian, của các hoạt động thể thao lấm bẩn mà không ngần ngại, của những trải nghiệm ngoài trời giữa thiên nhiên... Từ những vết rách, vết mực lem , đường sứt chỉ hay bề mặt vải cũ mòn đều có thể gợi nhớ những kỷ niệm, và do đó, có thể tạo nên một vẻ đẹp mới, hoặc tái sinh với một đời sống mới.

Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 1
Nike thu thập các trang phục, sản phẩm cũ và không thể sử dụng, rồi dùng chúng để thiết kế ra các sản phẩm mới.
Nike thu thập các trang phục, sản phẩm cũ và không thể sử dụng, rồi dùng chúng để thiết kế ra các sản phẩm mới.

Đặc biệt rằng bạn sẽ chỉ tìm thấy các sản phẩm này tại gian hàng ở Los Angeles, và chúng không được bày bán ở bất cứ cửa hàng Nike nào khác. Được biết, mỗi sản phẩm đều được sản xuất với số lượng hạn chế, thậm chí là những phiên bản duy nhất trên thế giới. Chương trình Nike Re-Creation tuân theo các sáng kiến ​​Nike Grind (thành lập năm 1992), trong khi các chương trình Nike Refurbished và Nike Recycling & Donation sẽ tiếp tục được tiến hành nhằm tạo ra một tương lai tuần hoàn hơn.

Dự án này hình dung các dòng chất thải như tài nguyên và chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các giá trị mới. Bằng cách tái sử dụng các vật liệu và sản phẩm của chính mình, những sản phẩm trong dự án lần này của Nike không chỉ thu hút vì độ đẹp, độc, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho việc bảo vệ môi trường. John Hoke, Giám đốc thiết kế của Nike, cho biết: “Dự án thể hiện tinh thần hợp tác, tập hợp các chuyên gia về thiết kế, bán lẻ, chuỗi cung ứng và tính bền vững để lập chiến lược và học hỏi”.

Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 2
Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 3
 
Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 4
Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 5
 
Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 6
Thông điệp của Nike qua chương trình tái chế mới - Ảnh 7
 

Trước đó, chương trình Nike Refurbished là một phần trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và chất thải ra môi trường của Nike, bằng cách tân trang để bán lại những đôi giày thể thao cũ và tái chế những đôi giày không thể phục hồi được. Theo đó, Nike Refurbished khuyến khích người tiêu dùng “trả lại” những đôi giày Nike đã cũ của họ thay vì vứt bỏ chúng.

Trong vòng 60 ngày kể từ ngày mua, khách hàng có thể mang giày cũ của mình đến các cửa hàng Nike để tham gia chính sách này. Những đôi giày này sẽ được nhân viên kiểm tra cẩn thận và vệ sinh bằng tay một cách tỉ mỉ. Giày sau khi qua tân trang sẽ được phân ra thành 3 loại khác nhau dựa trên tình trạng thực tế, bao gồm: Like New (những đôi giày gần như mới), Gently Worn (đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt), Cosmetically Flawed (có một số khuyết điểm bề ngoài như vết bẩn hoặc bạc màu). 

Sau khi phân loại, mỗi đôi giày sẽ được định giá theo tình trạng, mang đi đóng gói và trưng bày tại các cửa hàng tham gia chương trình Nike Refurbished. Đặc biệt, trên bao bì của những sản phẩm, Nike cung cấp các thông tin chi tiết về loại giày, tình trạng giày và cả mã QR để khách hàng có thể quét và tìm hiểu thêm về chiến dịch Move to Zero. Ngoài truyền bá thông điệp về tính bền vững, việc đưa các chi tiết quan trọng vào bao bì cũng thể hiện cam kết của Nike về sự minh bạch của thương hiệu. 

Đối với những đôi giày không thể bán lại, Nike sẽ quyên góp cho những người kém may mắn trong xã hội. Ngoài ra, những đôi giày hư hỏng nặng sẽ được tái chế thành vật liệu độc quyền Nike Grind và sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới của Nike. Vật liệu này cũng được các công ty đối tác của Nike sử dụng để sản xuất nhiều loại sản phẩm như lớp lót sàn, đường chạy, bề mặt sân bóng và nhiều sản phẩm khác.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate