Ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với một số hội, hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chể hóa nhiều chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có nhiều chế định mới bảo đảm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”; cắt giảm và cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... Việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.
Quốc hội đã có đề nghị Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là kết quả trí tuệ của các nhà khoa học, đại biểu quốc hội, nhân dân, các tổ chức, nên việc xây dựng Nghị định phải tuân thủ đúng nội dung, chính sách của Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các hội, hiệp hội doanh nghiệp để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, tạo sự công bằng về môi trường cho người dân.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thủy sản, đề nghị cần phải tiến tới điện tử hóa các thủ tục hành chính về việc cấp các giấy phép môi trường; đồng thời quy định rõ ràng về thời gian cấp phép, thời gian thẩm định tránh việc mỗi địa phương phát sinh các thủ tục hành chính khác nhau… Về Văn phòng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và Hội đồng EPR, ông Nam lo ngại sẽ có thể phát sinh ra 63 Văn phòng khác nhau trên cả nước gây lãng phí…
Giải tỏa những lo ngại này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, EPR sẽ thông qua Hội đồng liên ngành có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia về môi trường, các Hiệp hội, doanh nghiệp. Giúp việc Hội đồng sẽ do một cơ quan chuyên môn của Bộ thực hiện. Kinh phí đóng góp vào Quỹ đã được quy định trong Luật và việc sử dụng sẽ theo quy định.
Về các thủ tục hành chính, hiện nay, với Luật Bảo vệ môi trường thông qua thời gian và thủ tục hành chính đã giảm được 34%. Đối với việc kiểm tra, kiểm soát, chỉ dự án có nguy cơ, phải đi kiểm tra để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được chặt chẽ nhất.
Trước vấn đề thu gom, tái chế đối với ô tô, xe máy từ người tiêu dùng với tỷ lệ nhất định gây khó khăn nhà sản xuất trong việc thu hồi vì người tiêu dùng không có nhu cầu thải bỏ; chưa có quy định trách nhiệm của người tiêu dùng; việc quy định thu gom, tái chế làm giá thành sản xuất tăng lên gây khó khăn… được Hiệp hội sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định cụ thể lộ trình không sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũ là tác nhân gây ô nhiễm không khí. Thời gian tới, việc tổ chức thực hiện ban đầu có khó khăn, nên mong muốn các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội đóng góp thêm cho cơ quan Nhà nước để tạo ra sự cân bằng trong phát triển.
Tại buổi làm việc, cơ quan soạn thảo cũng nghe và làm rõ các ý kiến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ; Hiệp hội Thuốc bảo vệ thực vật, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu âu, Hiệp hội Dệt may… về vấn đề quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trên cơ sở các ý kiến của các địa biểu, cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa. Những vấn đề chung sẽ đưa vào trong Nghị định, những vấn đề chi tiết hơn và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng sẽ đưa vào trong thông tư hướng dẫn.
Ông Hà cũng cho biết, trong thời gian này, do bị ảnh hưởng từ Covid-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xin miễn, giảm một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các hội, hiệp hội doanh nghiệp để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, tạo sự công bằng về môi trường cho người dân Việt Nam.