Những quan điểm này được các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự chia sẻ tại sự kiện của TopCV “Tuyển dụng ứng viên cấp cao trong bối cảnh thách thức năm 2023”, sáng 28/4.
DOANH NGHIỆP MUỐN TỐI ƯU HIỆU SUẤT, TIẾT KIỆM CHI PHÍ TUYỂN DỤNG
Nhiều năm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc nhân sự tại VNC nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những chi phí không hợp lý đều được các doanh nghiệp cân nhắc xem xét, hay những mô hình hoạt động không mang lại hiệu quả ngay lậy tức cũng đều bị đưa lên bàn cân. Những đầu tư đã quá lâu chưa có kết quả; những việc mà chi phí nhiều hơn kết quả mang lại cũng là những câu hỏi…, nói tóm lại đang có rất nhiều vấn đề đặt ra cho các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh đó, đâu là việc cần làm ngay, đâu là việc phải tập trung đầu tư lâu dài, bởi vì việc cắt nhân viên là việc đơn giản nhất, nhưng cắt nhân viên, hay giảm như thế nào, cơ sở nào để giảm, đầu tư chỗ nào để doanh nghiệp vẫn sống sót trong giai đoạn hiện tại, song vẫn có sức bật trong giai đoạn tương lai mới là điều khó khăn”, bà Nhung nêu quan điểm.
Bối cảnh khó khăn là thế, song các chuyên gia cũng thừa nhận đang có nghịch lý là “chất xám” cao cấp vẫn chảy, vẫn có sự chuyển động của nhân sự cấp cao, nhóm này vẫn lựa chọn thay đổi công việc, còn các doanh nghiệp cũng đang khao khát có những nhân sự đứng đầu cực kỳ tài giỏi.
Theo bà Đào Hạnh Giang, CEO tại Build Talents, điều này được lí giải bởi ở bối cảnh này, các doanh nghiệp cần thấy hiệu quả ngay và luôn để “công ty phải sống đã”, phải cắt giảm chi phí nhưng vẫn có những nhân tài.
“Thông thường các doanh nghiệp sẽ tinh gọn cơ cấu hơn, nghĩa là một người sẽ phải đa nhiệm nhiều công việc so với trước đây. Chẳng hạn, trước đây cần nỗ lực đầu tư thời gian 7 - 8 tiếng một ngày, thì nay phải tối ưu hóa, thay vì làm 8 tiếng nhưng với hiệu quả của 12 tiếng. Tóm lại là bạn cần rất đa nhiệm, làm nhiều việc hơn trong cùng một khoảng thời gian”, bà Giang phân tích.
Một điểm đáng chú ý nữa là thị trường đang có nhiều người thất nghiệp và họ sẵn sàng nhận việc với mức lương bằng một nửa, hoặc 2/3. “Cách đây vài ngày tôi có gặp một CEO trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Năm 2019 tôi đã mời anh này làm CEO cho một quỹ đầu tư ở nước ngoài sang Việt Nam với mức lương 25.000 USD song thời điểm đó anh từ chối, nhưng hiện nay anh chỉ nhận mức lương 250 triệu đồng, bởi lí do là lúc này không thể để gia đình thấy mình đang thất nghiệp”, bà Giang dẫn chứng.
Theo bà Giang, với nhóm ứng viên trên, có thể tiền không là vấn đề, nên các doanh nghiệp cũng đang nắm bắt yếu tố này nếu muốn tối ưu hiệu suất, tiết kiệm chi phí trong tuyển dụng nhân tài.
“Nếu như mong muốn đạt hiệu suất nhiều hơn, có những đột phá trong kinh doanh thì thường doanh nghiệp sẽ mời những người cao cấp trên thị trường sẵn sàng về doanh nghiệp với chi phí thấp nhất. Cho nên thực tế là nếu như bạn đang làm tốt thì doanh nghiệp vẫn mong muốn bạn làm tốt hơn, nếu không chúng ta có thể bị thay thế bởi những ứng viên khác với mức lương chỉ bằng một nửa. Đó là lí do, dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn thu hút được nhân tài với chi phí thấp, hiệu quả cao”, bà Giang chia sẻ.
NHỮNG YẾU TỐ THU HÚT NHÂN TÀI
Các chuyên gia cũng đánh giá, thị trường tuyển dụng, đặc biệt là tuyển dụng nhân tài đã thay đổi rất nhiều so với thời gian trước đây. Thu nhập hàng tháng không còn là quyết định duy nhất khi ứng viên lựa chọn một công việc, đặc biệt là với những ứng viên cấp cao. Ngoài lương, họ còn kỳ vọng về việc sẽ mang đến những giá trị lâu dài, năng lực mới cho công ty.
Theo bà Đinh Kim Nhung, trong lúc môi trường kinh doanh thuận lợi, sự ảnh hưởng của một người trong một vị trí có thể không quá quan trọng, bởi vì mọi thứ vẫn trôi chảy, nhưng trong hoàn cảnh nguồn lực không còn như trước, nếu không có người giỏi sẽ rất khó tìm ra giải pháp để vượt lên hoàn cảnh, cũng như dẫn dắt đội ngũ nhân tài lãnh đạo công ty.
Mặc dù vậy, tuyển dụng các nhân tài chưa bao giờ dễ dàng, và luôn đòi hỏi kỳ vọng cao từ cả hai phía, doanh nghiệp và ứng viên.
Yếu tố đầu tiên khi tuyển dụng theo bà Nhung là hai bên đều cần thành thật với nhau, nhưng thành thật ở mức độ để ứng viên nhìn thấy đó là cơ hội, bản thân công ty cũng chọn lọc được ứng viên phù hợp và cùng chí hướng.
“Ứng viên cũng mong muốn làm việc ở một doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, bởi trong lúc kinh tế khởi sắc thì không có vấn đề gì, nhưng lúc khó khăn thì có thể mọi thứ mới được phơi bày. Sẽ không người lao động nào muốn đặt niềm tin vào một công ty làm ăn kinh doanh không có đạo đức, đặc biệt là với người đứng đầu”, Giám đốc nhân sự VNC nhấn mạnh.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, chiến lược kinh doanh thế nào, cách hành xử với nhân viên ra sao sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn với ứng viên, nhất là ứng viên cấp cao để họ quyết định có ứng tuyển vào một công ty.
Tuyển dụng nhân tài ở các doanh nghiệp lớn đã khó, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ càng khó khăn hơn để thu hút ứng viên, song bà Đào Hạnh Giang nói vẫn có những cơ hội để tạo nên sự khác biệt.
Theo bà Giang, dù yêu cầu của ứng viên ít nhiều có sự thay đổi khi tìm việc, nhưng điều kiện tiên quyết khi tuyển dụng là công việc đó cần giải quyết đầy đủ các vấn đề về nhu cầu thiết yếu của người lao động như chi phí điện nước, nhà cửa, sau đó là các vấn đề về điều kiện làm việc an toàn, trả lương đúng kỳ…Ở cấp độ cao hơn, cần cho ứng viên cảm thấy mình thuộc về cộng đồng này, đồng nghiệp có hỗ trợ họ để hoàn thành công việc không, hay luôn xảy ra cạnh tranh, đấu đá nội bộ.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tuyển dụng nhân tài cần cho ứng viên thấy sự khác biệt hơn cả là sự tôn trọng. Ví dụ, nếu như ở tập đoàn lớn vai trò của họ cũng là giám đốc nhân sự, nhưng tiếng nói sẽ thấp hơn ở đây. Tại môi trường này, họ được tác động vào hoạt động kinh doanh và làm chủ cuộc chơi, thậm chí tạo ra bức tranh mới cho doanh nghiệp mà ở các tập đoàn lớn sẽ không có được”, bà Giang dẫn chứng.
CEO tại Build Talents cũng nói thêm rằng, tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những nhân tài có thể hoàn toàn kiến tạo công ty theo cách họ muốn, nếu những ý tưởng đó phục vụ cho công việc hiệu quả, và khiến nhân viên hạnh phúc.