Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 1117/QĐ-TTg.
100% KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP, ĐÔ THỊ VEN BIỂN ĐƯỢC QUY HOẠCH, XÂY DỰNG THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Theo Quyết định, mục tiêu cụ thể của quy hoạch là bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị khác của vùng bờ; tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái biển, rừng ngập mặn tại vùng bờ, góp phần thực hiện mục tiêu đạt diện tích tối thiểu bằng 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Sắp xếp, phân bố hợp lý không gian cho các ngành, lĩnh vực và giải quyết cơ bản các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vùng bờ, góp phần đạt được các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển được thu gom và xử lý;
Đồng thời 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh và an toàn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư ven biển, không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước...
Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, góp phần đưa vùng bờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế- văn hóa sôi động, thu hút đầu tư, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế;
Xây dựng các vùng ven biển thành chỗ dựa vững chắc để tiến ra biển và tạo động lực cho các vùng khác trong cả nước cùng phát triển; có môi trường trong lành, an toàn và các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử được bảo vệ, giữ gìn và phát triển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các vùng đất ven biển và các hải đảo được sắp xếp, phân bổ theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia theo 4 vùng kinh tế xã hội: vùng phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng Đông Nam Bộ, gồm có Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. HCM; vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.
Để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế biển xanh, bảo đảm hài hòa giữa các hoạt động trên đất liền và dưới biển, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trên các vùng đất ven biển được ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tuyến hành lang đường bộ cao tốc, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển nhằm tạo đà, động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, kết nối vùng ven biển với các hải đảo, vùng kinh tế trọng điểm và cửa khẩu quốc tế.
Thực hiện lấn biển ở những khu vực thích hợp, không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa- lịch sử tại vùng bờ để tăng thêm không gian, quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
KHU VỰC HẢI PHÒNG- QUẢNG NINH LÀ TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN HIỆN ĐẠI
Theo quy hoạch, khu vực Hải Phòng- Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; khu vực Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình phát triển mạnh và bền vững kinh tế biển.
Về hạ tầng, sẽ tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là tuyến đường bộ, đường sắt ven biển, đường kết nối cảng đến quốc lộ và cao tốc; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái với Hà Nội. Phát triển các đô thị, điểm dân cư ven biển theo hướng hình thành chuỗi đô thị ven biển, gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.
Về các ngành kinh tế ưu tiên, khu vực này sẽ hình thành các khu du lịch quốc tế hóa cao ở Quảng Ninh (Vân Đồn, vịnh Hạ Long), phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; liên kết phát triển vùng du lịch Cát Bà- vịnh Hạ Long- Bái Tử Long- Vân Đồn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển- đảo có tầm quốc tế ở châu Á- Thái Bình Dương.
Phát triển cảng biển quốc tế, vận tải biển viễn dương và trong nước, dịch vụ hàng hải, dịch vụ logistics đa phương thức với trung tâm là cụm cảng Hải Phòng- Quảng Ninh.
Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào, có khả năng phát triển nhanh, mạnh, bền vững về kinh tế biển với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu...
VÙNG ĐẤT VEN BIỂN TÂY NAM BỘ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP XANH, NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Vùng đất ven biển Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. HCM là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với các ngành, lĩnh vực ưu tiên: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Vùng này sẽ phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển theo hướng đô thị xanh.
Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển; đẩy mạnh xây dựng khu vực cảng biển Cái Mép- Thị Vải- Sao Mai- Bến Đình, liên kết với cảng biển TP.HCM, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép- Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa; hình thành các cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng. Xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp dịch vụ hoàn chỉnh.
Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ gồm các trung tâm kinh tế biển mạnh của Đông Nam Á với phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá hiện đại phục vụ khai thác xa bờ, hình thành và phát triển du lịch sinh thái, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Về hạ tầng, sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; tập trung khai thác tốt các cảng biển, trong đó khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải, trong đó chú trọng các luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.
Về phát triển các ngành kinh tế ưu tiên, vùng này sẽ phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản tại khu vực ven biển theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.