Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực tiễn” vào ngày 4/4/2024, bà Mette Moglestue Phó Đại sứ Nauy tại Việt Nam cho biết ở Nauy, người tiêu dùng mua đồ uống đóng chai sẽ đặt cọc và khi trả lại chai họ sẽ nhận lại số tiền đặt cọc đó.
"Có tới 90% các chai như vậy đã quay trở lại điểm thu hồi. Đây cũng chính là bài học thành công có thể được áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới", bà Mette Moglestue gợi ý.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh: "EPR có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường".
EPR được coi là một công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp.
Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới.
Thực hiện EPR sẽ góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trước những con số đáng lo ngại về ô nhiễm nhựa, bà Phó Đại sứ Nauy hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm 50% rác thải nhựa trên biển vào năm 2025 thông qua nhiều biện pháp khác nhau và 75% vào năm 2030 theo chương trình hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm nhựa đại dương.
Nauy đồng tình với quy tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền – đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của thoả thuận xanh toàn cầu. EPR là một trong những công cụ tốt nhất được chứng minh để thực hiện nguyên tắc bên gây ô nhiễm phải trả tiền. Điều này cũng là cách giúp khu vực tư nhân tăng cường trách nhiệm của mình trong khi vẫn có thể đảm bảo nguồn tài chính bền vững và ổn định.
Nêu bức tranh EPR ở Nauy để nhìn sang Việt Nam, bà Mette Moglestue cho biết tất cả những doanh nghiệp sản xuất hay nhập khẩu hàng hoá có bao bì đều có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để xử lý việc tái chế.
Cách đây 30 năm Nauy đã ban hành lần đầu tiên thực hiện trách nhiệm về EPR đối với vỏ chai đồ uống. Đến nay EPR được mở rộng không chỉ liên quan tới các chai nhựa, lon bằng nhôm mà cả thuỷ tinh. Các nhà sản xuất đồ uống hoàn toàn chi trả 100% chi phí của mình.
Bà Phó Đại sứ cho hay hiện nay ở Nauy, khi người tiêu dùng mua chai đồ uống họ sẽ đặt cọc (giả sử khoảng 5.000 đồng) và khi trả lại chai họ sẽ nhận tiền lại số tiền đặt cọc đó. Đây chính là cách thức các chai này được thu hồi và tái chế. Và có tới 90% các chai như vậy đã quay trở lại điểm thu hồi.
Nói thêm, bà Mette Moglestue cho biết những chai như vậy hoàn toàn sạch, được tái sử dụng, đóng gói thực phẩm. Các cộng đồng như trường học, nhóm thể thao ở Nauy đã tích cực thu gom, tái chế nhằm huy động vốn, góp quỹ, thúc đẩy tinh thần cộng đồng và nâng cao tầm quan trọng của tái chế, cũng tuyên truyền vấn đề này cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường.
"Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Na Uy đánh giá rất cao tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một trong những biện pháp để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này", bà Mette Moglestue nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, lực lượng thu gom chất thải phi chính thức vô cùng quan trọng. Khi chúng ta thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực phi chính thức sẽ là bước quan trọng để đạt được quá trình công bằng trong chuyển đổi.
Theo bà Mette Moglestue, EPR không chỉ dừng lại ở lĩnh vực môi trường mà trách nhiệm nhà sản xuất còn thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy hợp tác trong chuỗi tái chế, cũng như tạo cơ hội việc làm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm đã được tái chế.
Với cách tiếp cận này, Việt Nam sẽ giải quyết những thách thức về chất thải nhựa, góp phần vào sự phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế trong tương lai.
Song theo bà Mette Moglestue, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần có sự nỗ lực cũng như sự hợp tác quốc tế và vai trò quan trọng của tất cả các bên trong đó có vai trò của Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp, cùng chung tay tìm ra các giải pháp đạt được mục tiêu tham vọng này. Cũng như cần có sự đối thoại thường xuyên, liên tục giữa các bên liên quan.
Một bài học khác được đúc kết từ Na uy mà bà Mette Moglestue chia sẻ với Việt Nam đó là những mục tiêu lớn trong chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân có vai trò hết sức quan trọng.
“Khu vực tư nhân đã phát huy được vai trò của họ ở nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể thực hiện tốt EPR mà vẫn hoàn thành tốt công việc kinh doanh của mình. Đây cũng chính là bài học thành công có thể được áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới”, bà Mette Moglestue nói.