July 04, 2024 | 14:39 GMT+7

Thực phẩm chức năng Kobayashi: Các ca tử vong là do suy thận?

Hoài Phương -

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến ngày 1/7, tổng cộng 2.200 người đã được kiểm tra tại các cơ sở y tế sau khi sử dụng sản phẩm men gạo đỏ của Kobayashi. Trong đó, 1.660 người mắc bệnh thận, 175 trường hợp tử vong…

Ảnh: The Independent
Ảnh: The Independent

Bộ Y tế Nhật Bản cho hay đã có thêm hàng chục trường hợp tử vong có khả năng liên quan đến thực phẩm bổ sung men gạo đỏ (beni koji) của hãng Kobayashi Pharmaceutical, ngoài 5 trường hợp đã được xác nhận trước đó. Theo Japan Times, các cuộc điều tra đối với 3 trường hợp đã hoàn thành và không thể xác nhận có liên quan hay không đến men gạo đỏ, 76 trường hợp còn lại vẫn đang được điều tra.

Kobayashi đã sản xuất các loại thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ trong nhiều năm, với khoảng một triệu gói bán ra trong ba năm qua. Lô hàng có vấn đề được sản xuất vào năm 2023. Công ty cho biết đã thu hồi các sản phẩm nghi chứa độc tố. Trước đó, người dân có thể mua sản phẩm mà không cần bác sĩ kê toa. Các nghiên cứu tại Nhật cho rằng men gạo đỏ có thể được sử dụng như một chất thay thế cho statin để giúp làm hạ lượng cholesterol, giảm mỡ máu.

Chính phủ công khai chỉ trích Kobayashi vì phải mất tới hai tháng mới công bố các ảnh hưởng về sức khỏe từ các sản phẩm. Số câu hỏi gửi đến công ty hiện lên tới 22.000. Bộ Y Tế Nhật đã thành lập một đường dây nóng để giải quyết thắc mắc, hiện nhận được hơn 1.500 cuộc gọi. Hiện giới chức chưa có kết luận cuối cùng về vụ bê bối.

Chủ tịch Akihiro Kobayashi và các giám đốc điều hành xin lỗi về những ca tử vong và nhập viện liên quan đến thực phẩm bổ sung của hãng.
Chủ tịch Akihiro Kobayashi và các giám đốc điều hành xin lỗi về những ca tử vong và nhập viện liên quan đến thực phẩm bổ sung của hãng.

Đài Loan cũng báo cáo một số ca suy thận cấp. Cơ quan quản lý thực phẩm đang điều tra ba ca "phản ứng bất thường" có thể liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu từ Kobayashi. Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc cũng kêu gọi người dân sử dụng loại thực phẩm chức năng này.

Cho đến hiện tại, tất cả các ca tử vong đều bị suy giảm chức năng thận, 90% ở độ tuổi từ 40 đến 69, trong đó 66% là phụ nữ. Công ty Kobayashi cho hay, trong số 76 ca tử vong mới này, người bệnh còn bị ung thư, nhồi máu não, viêm phổi và bóc tách động mạch chủ. Theo Công ty Kobayashi, các ca tử vong có thể bắt nguồn từ lượng hóa chất sản sinh trong tiến trình chế biến men gạo đỏ. Hãng này đã phát hiện axit puberulic-một hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ nấm mốc xanh, trong các thành phần được sử dụng.

Trước đó, các chuyên gia đã phát hiện nấm mốc xanh trong buồng nuôi cấy, bể chứa tại các nhà máy của hãng dược Kobayashi ở Osaka. Đây là nơi sản xuất các nguyên liệu cho thực phẩm chức năng có liên quan đến nhiều vụ khiếu nại về bất ổn sức khỏe ở Nhật. Loại nấm mốc trên được cho là cùng loại với nấm mốc tạo ra axit puberulic. Chất này xuất hiện trong các sản phẩm gây ra một số vấn đề về thận cho người dùng.

Các nguồn tin cho biết đội thanh tra tìm thấy những đốm mốc đen bên trong nhà máy vào cuối tháng 3 - ngay sau khi vụ bê bối thực phẩm chức năng lộ ra. Sau đó, cơ quan chức năng quay lại nhà máy vào tháng 4 và phát hiện nấm mốc trong các mẫu lấy từ tường, trần nhà và 5 phòng gồm 1 phòng lên men.

Yaguchi Takashi, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Nấm y khoa thuộc Đại học Chiba, cho biết nấm mốc xanh được tìm thấy tại nhà máy tương đối hiếm, chưa được nghiên cứu chuyên sâu và khác với những loại thường thấy trong các cơ sở sản xuất thực phẩm. Ông cho rằng nấm mốc có thể đã tồn tại ở môi trường ngoài trời gần nhà máy trước khi xâm nhập và lây lan bên trong. Hầu hết các phòng tại nhà máy được cho đã bị đóng kín. Các quan chức thành phố Osaka có kế hoạch điều tra thời điểm và cách thức nấm mốc xanh lây lan trong cơ sở.

Trước tình hình trên, Công ty Kobayashi khẳng định sẽ mở rộng điều tra về phạm vi ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác ngoài thận. Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật Bản cũng ráo riết điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân các trường hợp tử vong nghi liên quan đến sản phẩm. Bộ trưởng Takemi khẳng định chính phủ sẽ không để Kobayashi Pharmaceutical tự giải quyết vụ việc nữa.

Kobayashi Pharmaceutical được thành lập năm 1919. Tuy không phải là công ty dược phẩm hàng đầu của Nhật Bản nhưng Kobayashi Pharmaceutical cung cấp nhiều sản phẩm sức khỏe và thực phẩm chức năng, một số được tiêu thụ ở Mỹ và châu Á. Theo The New York Times, thực phẩm chức năng (Foods with Functional Claim - FFC) được giới thiệu như một giải pháp giá rẻ thay thế cho Thực phẩm đặc biệt cho sức khỏe (Foods with Special Health Qualities - Tokuho), vốn cần sự sàng lọc khắt khe hơn từ chính phủ.

Nấm mốc xanh được tìm thấy tại nhà máy tương đối hiếm, chưa được nghiên cứu chuyên sâu và khác với những loại thường thấy.
Nấm mốc xanh được tìm thấy tại nhà máy tương đối hiếm, chưa được nghiên cứu chuyên sâu và khác với những loại thường thấy.

Do được phân loại thấp hơn nên chi phí đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng rẻ hơn, qua đó giúp các công ty nhỏ có thể gia tăng được lợi nhuận dễ dàng hơn. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là nộp bằng chứng về tính hiệu quả của sản phẩm để đăng ký sản phẩm. Không giống như dược phẩm, thực phẩm chức năng FFC không cần tuân theo các quy định tiêu chuẩn JGMP của Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa không có bất kỳ sự giám sát nào về phương pháp sản xuất, thành phần hoặc nồng độ, cũng như hình thức của sản phẩm (dạng viên thường hay viên nang)...

Điều này trái ngược với Mỹ khi có hẳn một khung pháp lý dành riêng cho các dạng thực phẩm bổ sung (Dietary Supplements) mà các nhà sản xuất phải tuân thủ nhằm đảm bảo chất lượng. Thậm chí Liên minh Châu Âu (EU) hay nhiều nước Đông Nam Á còn có những quy định cứng rắn hơn ở mảng thực phẩm bổ sung này.

Công ty nghiên cứu thị trường Fuji Keizai cho biết giá trị thị trường thực phẩm chức năng Nhật Bản đã tăng 19% lên mức ước tính 686,5 tỷ Yên (4,48 tỷ USD với tỷ giá hiện tại) trong năm 2023 và được dự đoán sẽ đạt 777 tỷ Yên vào năm 2026.

 

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) Việt Nam cho biết chưa cấp phép lưu hành cho các sản phẩm trên trong nước, đồng thời khuyến cáo người dân không mua qua mạng xã hội theo đường xách tay. "Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật", Cục An toàn Thực phẩm nêu rõ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate