August 08, 2024 | 12:05 GMT+7

Tiếp tục tăng trong nghi ngờ, thanh khoản rất chậm, cổ phiếu đảo chiều xanh hàng loạt

Kim Phong -

Dao động kiểu giảm trước tăng sau khiến biên độ thay đổi giá cổ phiếu khá rộng trong phiên sáng nay, đem lại cơ hội bắt đáy hấp dẫn. Tại đáy VN-Index ghi nhận số mã đỏ nhiều gấp 3 lần số tăng, nhưng đến hết phiên tình thế đã đảo ngược, với hàng trăm mã vượt tham chiếu thành công...

Cổ phiếu vốn hóa lớn kém đồng thuận là lý do tốc độ phục hồi ở VN-Index chậm chạp.
Cổ phiếu vốn hóa lớn kém đồng thuận là lý do tốc độ phục hồi ở VN-Index chậm chạp.

Dao động kiểu giảm trước tăng sau khiến biên độ thay đổi giá cổ phiếu khá rộng trong phiên sáng nay, đem lại cơ hội bắt đáy hấp dẫn. Tại đáy VN-Index ghi nhận số mã đỏ nhiều gấp 3 lần số tăng, nhưng đến hết phiên tình thế đã đảo ngược, với hàng trăm mã vượt tham chiếu thành công.

VN-Index giảm sâu nhất lúc 10h07, mất gần 7 điểm, độ rộng chỉ có 91 mã tăng/285 mã giảm. Từ đáy này chỉ số leo dốc chậm chạp nhưng liên tục, chốt phiên sáng tăng 2,57 điểm tương đương +0,21%. Đặc biệt độ rộng tới 206 mã tăng/183 mã giảm.

Điều khá bất ngờ là thanh khoản không gia tăng rõ rệt theo đà leo dốc này. Sàn HoSE chỉ khớp được 5.948 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với sáng hôm qua. Rổ VN30 thậm chí giảm giao dịch hơn 17%. Điều này lý giải phần nào tốc độ đi lên của VN-Index chậm, do thiếu đi sự cộng hưởng của nhóm trụ. VN30-Index hiện vẫn còn giảm 0,39% với 9 mã tăng/18 mã giảm.

Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, chỉ một nửa là xanh với BID, GAS, FPT, VHM và CTG. Trong số này lại chỉ duy nhất GAS tăng 2,27% là mạnh. 5 mã giảm là VCB, HPG, VIC, VNM và TCB, với TCB mất tới 2,52% và VIC giảm 1,06%. Sự phân hóa sức mạnh của nhóm dẫn dắt đã khiến động lực của chỉ số phần nào bị triệt tiêu lẫn nhau. Ví dụ TCB khiến VN-Index mất 0,95 điểm thì GAS đem lại hơn 1 điểm. Nhóm tăng tốt của rổ VN30 có nhiều mã chưa lọt vào Top đầu như MSN tăng 2,88%, POW tăng 2,18%, HDB tăng 1,81%, BVH tăng 1,18%, VIB tăng 1,21%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ về tổng thể cũng không mạnh, khi chỉ số Midcap tăng nhẹ 0,26%, Smallcap tăng 0,61%. Tuy vậy một số mã cá biệt lại rất tích cực, phản ánh sự chú ý riêng biệt của dòng tiền. Toàn sàn HoSE hiện có 91 mã tăng trên 1%, với 10 kịch trần. MSH, HHV, BMC, VCG, LCG là các cổ phiếu tăng hết biên độ với thanh khoản khá tốt. Số khác có thể kể tới TCM tăng 4,35%, FCN tăng 5,13%, VOS tăng 4,3%, GIL tăng 3,9%, CII tăng 3,86%, KSB tăng 3,53%, CTD tăng 2,99%.

Mặc dù số cổ phiếu đạt mức tăng giá mạnh chưa nhiều, nhưng đối với các nhà đầu tư bắt đáy, biên độ dao động tăng mới là điểm lợi ích nhất. Gần 100 cổ phiếu trong VN-Index sáng nay phục hồi vượt 2% so với giá thấp nhất phiên cho thấy cơ hội khá rộng mở nếu nhà đầu tư chấp nhận được rủi ro cao.

Tiếp tục tăng trong nghi ngờ, thanh khoản rất chậm, cổ phiếu đảo chiều xanh hàng loạt - Ảnh 1

Ở phía giảm, HoSE còn 183 mã đỏ nhưng không nhiều cổ phiếu thực sự bị xả mạnh. 48 mã đang giảm quá 1% chỉ vài mã đáng chú ý như HAG giảm 6,49% với thanh khoản 332,9 tỷ; AAA giảm 2,78% với 72,6 tỷ; TCB giảm 2,52% với 377,7 tỷ; VRE giảm 1,67% với 66,2 tỷ; PDR giảm 1,12% với 51,9 tỷ. Tính chung nhóm giảm mạnh nhất này chiếm 19,1% tổng giá trị khớp của sàn.

Thanh khoản gia tăng chậm sáng nay thể hiện tâm lý nghi ngờ vẫn đang rất cao và nhà đầu tư chưa mạnh dạn “xuống tiền”. Nhà đầu tư vừa tranh nhau cắt lỗ hôm đầu tuần và đứng ngoài quan sát, giá hồi lại vẫn mập mờ giữa ranh giới với một nhịp bull-trap. Các thông tin bên ngoài vẫn rất lộn xộn và tiêu cực.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng duy trì mức bán ròng rất lớn, sáng nay rút thêm 817,4 tỷ đồng ròng nữa trên sàn HoSE, sau khi bán hơn 1.044 tỷ đồng sáng hôm qua. Giao dịch đáng chú ý là thỏa thuận ròng 331,5 tỷ đồng ở VJC. Ngoài ra có TCB -100,2 tỷ, HPG -94,1 tỷ, MWG -37 tỷ, CTG -29,5 tỷ, VHM -23 tỷ, SSI -22,6 tỷ, FPT -22,1 tỷ, PDR -20,7 tỷ. Bên mua chỉ có MSN +36,8 tỷ GAS +35,7 tỷ và VNM +29,3 tỷ là đáng kể.

Thị trường liên tục đánh võng trong 3 phiên vừa qua nhưng lần nào cũng kết thúc bằng nhịp phục hồi dù thanh khoản không cao. Đây là tín hiệu của dòng tiền bắt đáy thận trọng kết hợp với sức ép bán ra suy yếu. Những nhịp chốt lời T+ rất hạn chế và không khiến thị trường chịu tác động rõ rệt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate