Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy hiện cả nước có 3.068 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
DOANH NGHIỆP CHƯA QUAN TÂM NHIỀU
Khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cũng cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%.
Dù việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất có tác động lớn tới toàn xã hội và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện cho nền kinh tế nhưng tại toạ đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” ngày 19/8, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề này vẫn còn hạn chế.
Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và thậm chí không đủ năng lực, chưa tiếp cận được với những công nghệ tiết kiệm điện. Đặc biệt, khó khăn về mặt tài chính cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thờ ơ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền và quy trình sản xuất dẫn tới việc sử dụng năng lượng một cách lãng phí.
Đáng lưu ý, chính sách giá điện hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2014. Đối với giá điện giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng 84-92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52-59% giá bình quân.
“Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự”, đại diện EVN nhận định.
Ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam bổ sung, sự đồng thuận của chuỗi cung ứng, công nghệ, chi phí ban đầu cho thực hiện tiết kiệm điện khá lớn và không biết khi nào sẽ được hoàn vốn… là những điều doanh nghiệp trăn trở.
Hầu hết doanh nghiệp vẫn đầu tư cầm chừng thậm chí không có đầu tư gì cho các giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Còn theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu đang đứng trước thách thức về sản xuất xanh. Một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chú trọng đến sản phẩm mà trong quá trình sản xuất tạo ra phát thải carbon thấp thông qua tiết kiệm năng lượng tốt…
Trong khi đó, để tiết kiệm năng lượng, giảm dấu vết carbon thì bài toán đầu tư vào công nghệ, nguồn lực đầu tư trang thiết bị hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới lại khiến doanh nghiệp loay hoay.
Bên cạnh khó khăn của doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành đánh giá, nhiều quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, việc triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
CẦN CÓ QUỸ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG
Nghiên cứu sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, cho rằng chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Và nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Tiết kiệm điện cần có sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất và những chính sách quyết liệt của Chính phủ. Theo ông Khoa, cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước như Singapore. Chính phủ nước này có những quỹ để khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng và thông qua quỹ doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn vốn đó để tái đầu tư.
Ngoài ra, cần đầu tư cho nguồn lực con người trong doanh nghiệp. Họ cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, có những ý tưởng táo bạo để giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hơn, qua đó hỗ trợ giảm tải ngành điện quốc gia.
Ông Đặng Hải Dũng cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết Net Zero, việc xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng là thực sự cần thiết.
Trong đó, việc đầu tư các trang thiết bị đòi hỏi các nguồn vốn vay lớn, vì vậy cần trình Quốc hội xây dựng quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, các quy định về các mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn.
Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn cho nguồn nhân lực để thích nghi, tiếp cận, vận hành các công nghệ mới như công nghệ blockchain, AI, công nghệ điện toán đám mây…
Nói thêm, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh cần tổ chức tuyên truyền để cho tạo được một sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, với doanh nghiệp cần hiểu: nếu không tiết kiệm năng lượng sẽ dẫn đến chi phí tăng cao, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường giảm. Còn khi thực hành tiết kiệm năng lượng, sản xuất giảm khí thải carbon tốt sẽ đáp ứng được những quy định của thị trường nhập khẩu, sản phẩm của Việt Nam sẽ có thế mạnh cạnh tranh khi xuất khẩu.