Ngày nay, kỹ thuật in ấn đã phát triển vượt bậc, với nhiều công nghệ in hiện đại: in lụa (in lưới), in ống đồng, in typo, in laser, in offset, in flexo, in kỹ thuật số… Suốt cả nghìn năm dưới thời phong kiến, công nghệ in chủ yếu sử dụng ván khắc gỗ, mực in được chế từ các chất liệu dân gian. Trên đất nước ta hiện vẫn còn lưu giữ được những kho ván in cổ bằng gỗ, được gọi là mộc bản, đã trở thành những bảo vật quốc gia.
NHỮNG BẢO VẬT VÁN IN CỔ
Chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa Đức La), xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là một “đại danh lam cổ tự”, mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Sách “Tam Tổ Thực Lục” cho biết “Ngày mồng Một tháng Giêng, năm Mậu Thân (năm 1308) Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (tức vua Trần Nhân Tông) sai sư Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại. Tháng Tư, Điều Ngự đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền Đăng Lục, lại sai Pháp Loa giữ chức trụ trì, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp loa cho đại chúng. Tháng 9 năm Quý Sửu (năm 1313), Pháp Loa phụng chiếu đến trì trú tại chùa Vĩnh Nghiêm, giữ vai trò thành lập Trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt để phát triển nền đạo nước nhà”.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay còn lưu giữ 3.050 tấm mộc bản ván in bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20. Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn.
Trong hệ thống mộc bản, ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, có nhiều tác phẩm văn học, các tài liệu giá trị về mỹ học, y học... Chất liệu dùng để khắc mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là gỗ thị. Một phần gỗ được lấy từ những cây thị được trồng ở chính trong khuôn viên của chùa. Trước đây, chùa Vĩnh Nghiêm có đến hàng chục cây thị được đốn để làm mộc bản. Hiện nay, trong chùa vẫn còn hai gốc thị được cho là có thân bị đốn dùng chế tác mộc bản.
Kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm được bảo tồn, gìn giữ theo cách truyền thống. Do đã trải qua nhiều lần in ấn nên các ván in đều ngả màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. Do đó, dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng hầu như các tấm mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn không bị cong vênh, mối mọt, nét chữ vẫn tinh xảo.
Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc biệt, ngày 16/5/2012, bộ 3.050 mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Di tích chùa Bổ Đà tọa lạc dưới chân núi Bổ Đà, ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế ở thời Lê Trung Hưng. Thượng tọa Thích Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà, cho biết kho mộc bản tại đây có hơn 2.000 ván in bằng gỗ thị, được khắc từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Trong đó, những mộc bản cổ nhất được chế tác vào năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng.
Các ván in tại chùa Bổ Đà hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ (mỗi giá xếp gần 200 ván). Hầu hết ván in trong kho mộc bản chùa Bổ Đà có kích thước dài 45 cm, rộng 22 cm, dày 2,5 cm; hoặc dài 60 cm, rộng 25 cm, dày 2,5cm. Có cả những ván kinh khổ rất lớn, dài 150 cm, rộng 30 cm, dày 2,5 cm. Các ván in được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn.
Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình ảnh điêu luyện và tinh xảo. Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh. Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không bị mối mọt.
Các nhà nghiên cứu nhận định: các mộc bản quý ở chùa Bổ Đà không chỉ giúp nghiên cứu kỹ thuật in ấn thời xưa, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm.
Năm 2017, bộ mộc bản của Chùa Bổ Đà được Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) và Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là bộ mộc bản Kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới. Năm 2018, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mộc bản tại chùa Bổ Đà là “Bảo vật quốc gia”.
NHIỀU DI SẢN VÁN IN ĐÃ BỊ CHẺ RA LÀM CỦI
Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm tư liệu Phật giáo, cho biết “Mộc bản” là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ, từ đó để in ra thành sách. Từ khi đất nước giành được độc lập năm 1945, chữ Hán không còn là quốc ngữ nữa, những văn bản liên quan đến chữ Hán bị thất truyền. Dẫn đến hệ thống tư liệu sách cổ và ván in cổ bị mai một rất nhiều.
“Có những chùa, trước đây tôi đến thấy tủ đựng ván kinh và kinh sách cổ rất lớn, nhưng lần sau tôi đến không thấy nữa, hỏi thì được nói rằng mối mọt làm hỏng hết rồi. Hồi đầu thế kỷ 20, thống kê của người Pháp ở Việt Nam có khoảng vài trăm vạn tấm ván khắc cổ, đến nay thực tế chúng tôi đang thống kê cả nước chỉ còn hơn 30 nghìn ván khắc. Thậm chí có những chùa ngày trước không có tăng ni, người dân trông coi chùa, đem ván in chẻ ra làm củi, rất đau xót”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt chia sẻ.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho hay ở Trung Quốc và Nhật Bản thời xưa, phần lớn ván in là do Nhà nước hoặc các tổ chức đứng ra làm, với các cơ sở in ấn tập trung. Các ngôi chùa ở Trung Quốc không in kinh sách, mà có những trung tâm chuyên in sách, trong đó có kinh sách Phật giáo và phát hành thương mại. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Nhà nước ban sắc tứ cho một số ngôi chùa chịu trách nhiệm khắc ván in kinh.
Tuy nhiên tại Việt Nam, việc in ấn, trong đó gồm cả in kinh Phật, các sách văn học, lịch sử, y khoa, sách thuốc đều do các chùa thực hiện. Ngoài kinh kệ nhà Phật, thì “Nho, y, lý, số” là bốn chủng loại sách phổ biến ở trong các chùa xưa. trong đó sách dạy về chữa bệnh, các bài thuốc Đông y rất nhiều. Nhiều sách văn sớ, văn chương được sáng tác, tuân theo thể thơ phú rất nghiêm mật, dùng thủ pháp đối liên câu chữ rất độc đáo.
Các sách ma chay, cưới xin, cho thấy sự ảnh hưởng, giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân gian. Phật giáo cũng hình thành những bộ sách nghi lễ dành cho việc tang gia của người dân.
Phân tích những nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật in ấn thời xưa, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết chất liệu gỗ để sử dụng làm ván khắc tại nước ta ngày xưa chủ yếu dùng gỗ thị. Gỗ cây thị có đặc điểm: không cong vênh, có độ mềm dẻo dai để khắc các chữ nhỏ không bị vỡ, lại không bị mối mọt nên bền lâu. Đặc điểm quan trọng là gỗ này thấm nước, nên mới dùng để in được. Mặt thớ gỗ mịn, khi in ra nét chữ căng và đều, không bị nhòe. Trước khi san khắc, gỗ thị còn được luộc kỹ và xử lý hóa chất để chống co giãn nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt.
QUY TRÌNH IN ẤN VÔ CÙNG NGHIÊM CẨN
Theo Thượng tọa Thích Tiến Đạt, khi in sách, không thể dùng mực tàu hay mực dấu, mực dầu… vì các loại mực này sau nhiều lần in, mực sẽ bám dính vào các nét chữ khắc gỗ, làm cho các nét chữ dày lên sẽ không thể sử dụng để in được nữa. Nếu rửa mực bám dính thì sẽ làm biến dạng các đường chữ khắc trên gỗ.
“Mực in ngày xưa, dùng than tre ngâm trong nước từ 3-5 năm, sau đó nghiền nhỏ, lọc kỹ, rồi trộn với bột gạo nếp đem nấu lên. Mực này in ngày nào nấu ngày đó, chứ không để sang ngày hôm khác được. Chổi để quét mực in lên trên mộc bản gỗ phải dùng chổi làm từ lá thông. Với kỹ thuật in sách cổ xưa, chữ vô cùng sắc nét, sách để lâu hàng trăm năm mà nét chữ vẫn đậm nét như vừa mới in. Sách rách, nhưng chữ thì không bao giờ phai mờ...”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt nhấn mạnh.
"Trong quá trình khắc có người giám sát kiểm tra nhiều lần. Sau khi đã khắc xong, in thử bản đầu tiên ra, phải kiểm tra lần nữa, xem có sai sót không. Nếu có sai sót, thì cắt chữ đó ra và khắc một chữ khác để chèn vào. Dĩ nhiên người khắc sai chữ đó sẽ bị phạt".
Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.
Về vấn đề kiểm duyệt khi khắc ván in, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết việc khắc ván in có quy chế rõ ràng. Ai biết chữ, viết chữ đẹp và đều tăm tắp, muôn chữ như một cả về kích thước chữ và nét chữ thì mới được phép khắc chữ lên mộc bản.
Mỗi khi sách in xong, thường tổ chức pháp hội, mời các cao tăng và các quan văn của triều đình đến chứng minh. Tại pháp hội, đọc bộ sách đó tại chỗ để các bậc cao tăng và tứ chúng nghe, xem có phát hiện sai sót nào về nội dung không. Khi tất cả xác định không còn sai sót, sách mới được phát hành...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam