July 02, 2024 | 10:01 GMT+7

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu có báo cáo, thống kê riêng các vụ án rửa tiền

Đỗ Mến -

Tòa án nhân dân tối cao vừa có công văn 182/TANDTC-V1 gửi các tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp về việc xét xử các vụ án tội Rửa tiền.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo công văn, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hành động được giao của Tòa án nhân dân tối cao tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và thực hiện kế hoạch hành động của hệ thống tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đưa ra 5 yêu cầu đối với tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các nội dung được nêu tại Công văn số 372/TANDTC-V1 ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ hai, đối với những vụ án xét xử tội Rửa tiền cùng với tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao, trung bình cao như tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản, Mua bán trái phép chất ma túy, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc thì cần phân công các thẩm phán có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm tốt để khẩn trương nghiên cứu, xét xử nhanh chóng, đúng pháp luật.

Thứ ba, đối với các vụ án xét xử tội Rửa tiền cùng tội phạm nguồn của tội Rửa tiền phải được báo cáo, thống kê riêng. Hiện tại nhiều tòa án địa phương chỉ thống kê theo tội phạm nguồn nên số liệu vụ án về tội Rửa tiền bị ẩn dẫn đến tổng hợp sai số liệu xét xử về các vụ án rửa tiền.

Thứ tư, kết thúc năm công tác, phải làm báo cáo riêng về các vụ án xét xử tội Rửa tiền gồm các mục số vụ án rửa tiền xét xử trong năm công tác, số bị cáo bị xét xử về tội Rửa tiền, tội phạm nguồn bị xét xử của tội Rửa tiền; đối với các bản án xét xử sơ thẩm ghi rõ đã có hiệu lực pháp luật/có kháng cáo.

Thứ năm, ngay sau khi phát hành bản án xét xử về tội Rửa tiền phải bản án đến Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời gửi bản mềm để báo cáo, tổng hợp.

Gần đây, nhiều vụ án về tội Rửa tiền đã được đưa ra xét xử và làm rõ như vụ án liên quan đến Công ty Jinbian (trụ sở ở Campuchia), vụ án “trùm buôn lậu” Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), vụ án tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương – Vinashinlines…Nhiều vụ án đang trong giai đoạn điều tra, chờ xét xử như vụ án tại Vạn Thịnh Phát, vụ án Mai Trà My (ở TPHCM)…

Nếu như trước đây, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm rửa tiền thường gặp khó khăn vì liên quan đến việc chứng minh dòng tiền, xác định chủ thể, tội danh thì từ khi Bộ luật Hình sự năm 2014 quy định rõ về tội Rửa tiền (Điều 324) thì việc chứng minh tội phạm có thêm căn cứ pháp lý.

Theo Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 1-5 năm:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5-10 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; dó tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

 

Pháp luật cũng quy định, người chuẩn bị phạm tội rửa tiền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate