May 05, 2023 | 07:55 GMT+7

Tổng cục Thuế đề nghị chặn quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn VAT trên không gian mạng

Ánh Tuyết -

Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 1448/TCT-TTHT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp ngăn chặn, xử lý các thông tin rao bán hoá đơn điện tử trên không gian mạng...

Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin rao bán hoá đơn điện tử trên không gian mạng.
Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin rao bán hoá đơn điện tử trên không gian mạng.

Tổng cục Thuế nêu rõ đây là biện pháp phối hợp cần thiết trước tình trạng tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng không gian mạng xã hội đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn VAT gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo cơ quan này, thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, từ ngày 21/4/2022, ngành thuế đã triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã nhập cuộc thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống.

Việc chuyển đổi sử dụng hóa đơn giấy sang hoá đơn điện tử mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nướccuộc; và đó là nhu cầu tất yếu của hệ thống thương mại hiện đại minh bạch, trong xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa hiện nay.

 

"Hành vi đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn là vi phạm các quy định phạm quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP", Tổng cục Thuế khẳng định.

Tại khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế số 38 nêu rõTại: “7. Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.”

Tại khoản 2a Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn chứng từ:

“2. Đối với tổ chức cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan a) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn”.

Tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 cũng nêu rõ hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

“9. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế; sử dụng hoá đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; sử dụng hoá đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền..."

Hay việc sử dụng hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền những cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khống, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ; sử dụng hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh, lập hóa đơn giả sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn... diễn ra nhan nhản.

Xuất phát từ nhu cầu hợp thức hóa chi phí, các cá nhân, tổ chức cũng sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa dịch vụ khác; sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa dịch vụ bán ra...

Trước thực trạng nhức nhối trên, giữa tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Công điện số 01/CĐ-BTC về việc tăng cường công tác quản lý giám sát việc phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử, trong đó chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các bộ, ngành để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong phát hành, quản lý sử dụng hoá đơn điện tử.

Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các wesite có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng. 

 

Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Thuế công bố triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”. Trung tâm Cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử mà Tổng cục Thuế vừa triển khai có chức năng phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử, phục vụ công tác quản lý rủi ro về hoá đơn điện tử trong toàn ngành thuế.

Với số lượng hoá đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý lên đến 4 tỷ tính đến cuối tháng 4, đòi hỏi cơ quan thuế cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và áp dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích dữ liệu lớn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate