September 14, 2022 | 20:20 GMT+7

Tourism under pressure to renew itself

Hoài Niệm -

After re-opening on March 15, Vietnam’s tourism sector has made an impressive recovery but is also facing major pressure to maintain sustainability. It needs to reinvent itself, with new products and upgrades to existing and traditional products, and to link tourism development domestically and internationally.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Tháng 12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4698 về việc khôi phục du lịch nội địa, đồng thời phối hợp cùng các doanh nghiệp, địa phương để đẩy mạnh truyền thông nhằm xóa dần tâm lý e ngại của người dân.

DU LỊCH PHỤC HỒI ẤN TƯỢNG THỜI “HẬU COVID”

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt, vượt kế hoạch 20%), 733.000 lượt du khách quốc tế.

Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Kể từ sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, đặc biệt là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài...

Việc làm mới, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh. Hoạt động liên kết phát huy hiệu quả, nhất là kết nối giữa các trung tâm du lịch (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...) với các điểm đến lân cận. Đây cũng là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ngành du lịch Việt Nam hiện đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ tiếp tục diễn ra.

CẦN GIẢI PHÁP THÁO GỠ RÀO CẢN

Tại hội nghị bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, đánh giá việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (diễn ra tại Hà Nội, ngày 17/8), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế liên quan đến các quy định xuất nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú để thuận lợi hơn cho du khách quốc tế... 

Cần tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế liên quan đến các quy định xuất nhập cảnh...
Cần tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế liên quan đến các quy định xuất nhập cảnh...

Người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thoa và Du lịch cũng đề xuất lập văn phòng đại diện du lịch ở một số thị trường trọng điểm; cơ chế liên kết phát triển du lịch giữa các ngành, các địa phương trong vùng; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030...

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để du lịch phục hồi bền vững sau dịch bệnh Covid-19, bên cạnh du lịch nội địa cần có các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế nhằm tiếp tục giữ và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác. Ông Bình đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch lớn tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... Về vấn đề cấp thị thực nhập cảnh, đến nay Bộ Công an đã cấp thị thực điện tử cho công dân của khoảng 80 quốc gia, miễn thị thực cho 25 quốc gia.

Trước tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực ngành du lịch, cụ thể là nhân lực cho các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch, các chuyên gia trong lĩnh vực lưu ý thời gian tới cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, nhất là tại các cơ sở lưu trú 2 sao, 3 sao, về kỹ năng mềm, thái độ phục vụ, ngôn ngữ giao tiếp, chú ý ứng dụng mạnh mẽ công nghệ.

THÁCH THỨC VỀ CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Nhận định về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực du lịch, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia về thị trường lao động, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch.

Ông Anh Tuấn phân tích: “Ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Cơ hội là thế nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. 

Chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng  được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước.
Chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng  được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước.

Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước”. Ông Trần Anh Tuấn dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2030 nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực.

ĐỂ DU LỊCH THỰC SỰ LÀ NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

“Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Nghị quyết 08/NQ-TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định như vậy và ghi rõ lộ trình thực hiện: “Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Để làm được những điều đó, cũng như thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 08 đề ra, ngành du lịch phải tự làm mới mình. Làm mới bao gồm cả sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đang có, sản phẩm truyền thống, giữ gìn và nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú, đào tạo và đào tạo lại nhân lực, nhất là ngôn ngữ giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, liên kết phát triển du lịch, cả nội địa và quốc tế. Thiếu hay chậm trễ một khâu nào trong chuỗi giá trị, ngành du lịch Việt Nam dễ dàng bị tụt hậu…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate