Do 2 cái Tết của năm 2023 chỉ cách nhau khoảng 3 tuần lễ, nên các hoạt động thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Quý Mão 2023 tại TP.HCM đã và đang được tập trung triển khai, mang lại không khí sôi động, rõ nét hơn cho thành phố “không ngủ" này.
HÀNG TẾT ĐÃ SẴN SÀNG
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. TP.HCM chuẩn bị khoảng 34.000 tấn hàng hóa cho chương trình bình ổn thị trường, phục vụ cho người dân trong Tết.
Cụ thể, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra đồng loạt tung 12.000 sản phẩm Tết với mức giảm giá từ 10-50%. Nhiều giỏ quà Tết phục vụ biếu tặng cũng được làm sẵn và được trưng bày ở khu vực riêng để đáp ứng nhu cầu mua sắm và làm quà tặng cho khách hàng. Co.opmart cũng tăng tỷ lệ lượng hàng dự trữ lên 30 - 50% so với các tháng trước đó và tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, thịt các loại (heo, bò, gà), thủy hải sản, trứng gia cầm, bánh mứt các loại...
Dự báo nhu cầu mua sắm tăng cao từ đầu tháng 1/2023 cho đến Tết Quý Mão 2023, WinMart cũng đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng tăng 30%. Đặc biệt, các mặt hàng truyền thống dịp Tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối cũng được WinMart chuẩn bị với số lượng lớn, giá tốt và nhiều mặt hàng được khuyến mãi lên tới 50%''.
Tương tự, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra) cũng tăng mạnh dự trữ lượng hàng Tết. Tổng lượng hàng mà hệ thống bán lẻ Satra dự trữ cho hai tháng (trước và sau Tết Quý Mão năm 2023) ước khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022. Đi kèm là các chương trình khuyến mãi giảm giá hơn 3.000 mặt hàng với mức giảm lên đến 72%.
Đại diện MM Mega Market cũng đã bắt đầu trưng bày hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán từ 15/12/2022 đến 21/1/2023 cùng nhiều chương trình khuyến mãi Mua 1 tặng 1, nhân điểm tích lũy 5 lần cho khách hàng để kích cầu. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết cách đây 1-2 tháng với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường, tương đương từ 15 - 30%.
Song song đó, thời gian phục vụ bán hàng Tết cũng được các đơn vị bán lẻ tăng lên đến 23 giờ trong các ngày từ 20 đến 27 tháng Chạp và tăng đến 24 giờ trong 2 ngày cao điểm sát Tết Nguyên đán đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thành phố.
DỊCH VỤ TIÊU DÙNG SÔI ĐỘNG KHÔNG KÉM
Để cung ứng các mặt hàng Tết cho các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ... nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đã lên kế hoạch từ 1-2 tháng trước.
Cụ thể, Masan MEATLife đã gia tăng công suất các Tổ hợp chế biến thịt mát MEATDeli tại Hà Nam và Long An. Tổng sản lượng thịt heo mát và gà mát mang thương hiệu MEATDeli đưa ra thị trường trong dịp Tết Quý Mão 2023 dự kiến lên đến gần 4.000 tấn, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Dầu thực vật Tường An cũng đặt kế hoạch sản lượng tăng 15% so với cùng kỳ, phát triển đồng đều cả 3 phân khúc phổ thông, trung và cao cấp tùy thuộc đặc trưng của từng khu vực.
Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt dự kiến đưa khoảng 4 triệu quả trứng gà (2,5 triệu trứng gà và 1,5 triệu quả trứng vịt) phục vụ những ngày giáp Tết. Sản lượng bán ra trong 3 ngày cận Tết dự kiến có thể đạt đến 1 triệu quả trứng/ngày. Giá không thay đổi, thậm chí còn giảm từ 5-10% trong 3 ngày cận Tết.
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt lợn, tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhâm Dần 2022) cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Doanh nghiệp này cũng cam kết giữ giá ổn định cũng như thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5% đến 10% cho các mặt hàng của công ty.
Song song với các hoạt động mua sắm Tết, nhiều ngành dịch vụ phục vụ Tết đi kèm khác như du lịch lữ hành, khách sạn, vận chuyển, F&B... cũng lên kế hoạch phục vụ dịp Tết cũng như kế hoạch phát triển kinh doanh trong tương lai.
Theo báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á mới công bố của Kantar World Panel, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành đồ uống Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể. Quý 3/2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,2%, chỉ kém tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn châu Á 0,4%.
Cụ thể, sau 2 năm khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kết quả tài chính của Starbucks Việt Nam có sự tăng trưởng nhất định trong giai đoạn bình thường mới nhờ đẩy mạnh hoạt động thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử. Ngoài thẻ ngân hàng, thẻ thành viên Starbucks Rewards hay tiền mặt, khách hàng còn có dùng ví điện tử MoMo và ZaloPay để thể thanh toán tại các cửa hàng Starbucks Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2022, Starbucks đã có 87 cửa hàng, tập trung tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Bình Dương; trong đó, riêng TP.HCM có 50 cửa hàng. Mục tiêu của Starbucks Việt Nam trong năm 2023 sẽ mở cửa hàng thứ 100 sau 10 năm hiện diện tại Việt Nam. Mô hình của Starbucks Việt Nam cũng sẽ hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương để có thể mang trải nghiệm Starbucks đến với nhiều khách hàng hơn nữa.
Thương hiệu Highlands Coffee cũng vừa công bố định hướng thương hiệu mới sau 23 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam. Đây là lần thứ tư, thương hiệu này công bố thay đổi logo (lần thay đổi logo gần nhất là năm 2013). Cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Highlands Coffee đang hồi phục mạnh mẽ trở lại sau đại dịch. Với hơn 500 cửa hàng khắp Việt Nam, thương hiệu của tỷ phú Thái kỳ vọng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu tại thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam trong những năm tới.
Ở lĩnh vực logistics, để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng dịp Tết J&T Express - Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế, cũng nỗ lực nâng cao năng lực vận chuyển với 1.900 bưu cục, gần 850 xe tải các loại, tăng cường đội ngũ nhân viên và cộng tác viên để bưu kiện đến tay khách hàng trong thời gian sớm nhất. Không những thế, J&T Express còn tăng cường sự hiện diện của mình trên mạng xã hội nói chung và nền tảng Tiktok nói riêng; ứng dụng công nghệ vào hầu hết khâu vận hành để giảm đến mức thấp nhất tình trạng hàng hóa bị quá tải hoặc chậm trễ, đặc biệt trong mùa cao điểm cuối năm.