Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hoàng; Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thiếu tướng Lê Minh Hiếu; Các Sở ban ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức.
HOÀN THÀNH 100% DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Thời gian qua, TP.HCM đẩy mạnh thực hiện triển khai Chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 với phương châm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
"Để đảm bảo công tác phối hợp triển khai được đồng bộ, thông suốt và mong muốn cung cấp tiện ích thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, TP.HCM yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm."
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM xác định công tác cải cách hành chính có vai trò rất quan trọng và hiệu quả của công tác này phải được đo lường bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Để đảm bảo công tác phối hợp triển khai được đồng bộ, thông suốt và mong muốn cung cấp tiện ích thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, TP.HCM yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Mãi cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tập trung nguồn lực, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố và các sở ngành, TP.Thủ Đức, quận, huyện triển khai hệ thống sao cho vận hành tốt. Bên cạnh đó, có bước chuẩn bị về nhân lực, thiết bị, giải pháp kĩ thuật để sẵn sàng xử lý nếu có tình huống phát sinh; tham mưu UBND Thành phố ban hành quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, chậm nhất trong tháng 12/2022.
“Chúng ta phải phấn đấu làm sao để từ đây đến cuối năm, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện và các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 phải được thực hiện”, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Ngoài ra, Văn phòng UBND TP.HCM có nhiệm vụ chủ trì cùng các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu UBND TP.HCM ban hành bổ sung danh mục thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Bên cạnh đó, các sở ban ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, phường - xã - thị trấn cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiểu và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo nhân sự, trang thiết bị để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị.
XỬ LÝ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỌI LÚC MỌI NƠI
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng, TP.HCM triển khai mới “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM” trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm một cửa điện tử rời rạc trên toàn địa bàn thành phố tại https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2022, hệ thống mới này sẽ thiết lập 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được UBND TP.HCM phê duyệt để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Ngoài ra, hệ thống mới cho phép các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất. Tài khoản này sử dụng thống nhất cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả các dịch vụ hành chính công các cấp, thông qua hệ thống hồ sơ điện tử thay thế cho các hình thức hồ sơ giấy thông thường.
Đặc biệt, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hệ thống còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử, giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ. Qua đó, tạo thành công cụ để giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.
“Chiến lược triển khai chính quyền số TP.HCM là giảm số lượng các dịch vụ công rời rạc, thủ công và nâng cao độ hài lòng của người dân bằng cách tập trung sử dụng hiệu quả dữ liệu, ứng dụng các công nghệ phù hợp. Từ đó, hỗ trợ giải quyết kịp thời các yêu cầu xử lý thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng”, ông Thắng cho biết.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết: Trong thời gian tới, Công an Thành phố sẽ tiếp tục cùng Sở Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể đưa hệ thống thông tin đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành một công cụ đắc lực phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2022, hệ thống mới này sẽ thiết lập 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được UBND TP.HCM phê duyệt để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Dịp này, hệ thống sẽ triển khai các dịch vụ công trực tuyến đối với 4 đơn vị là Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp; Ban Quản lý An toàn thực phẩm cùng một số dịch vụ công của Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải.