TP.HCM đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên cả nước từ năm 2004 tại Củ Chi, Trung tâm công nghệ sinh học tại quận 12, hiện đang hoạt động đúng hướng và hiệu quả.
70% ĐẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG CỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Thông tin tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, tổ chức mới đây, ông Phạm Đình Dũng, Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, cho biết thành phố kết hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản hàng hoá, đi kèm với phát triển không gian du lịch sinh thái, nâng cao giá trị và đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội.
“Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố cũng đang mở rộng quy mô từ trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nhằm đi theo xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hội nhập với thế giới”, ông Dũng nói.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, đất nông nghiệp của thành phố liên tục giảm sau mỗi năm. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, đã có 700 ha đất nông nghiệp biến mất mỗi năm, tiếp đó từ 2015 – 2020 con số lên đến 1000 ha.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết điều đáng mừng là giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp của TP.HCM vẫn tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2015 một ha đất nông nghiệp giúp người nông dân thu về 375 triệu đồng mỗi năm và giai đoạn 2015-2020 con số này tăng lên 500 triệu đồng/năm,
“Chính quyền thành phố xác định, nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn tới. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 70% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Hiệp nói.
Để làm được điều này chính quyền thành phố xác định nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của ngành. Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung vào phát triển khoa học hiện đại trong nông nghiệp và việc ứng dụng công nghệ cao là điều bắt buộc.
Ông Hiệp cũng cho rằng TP.HCM phải trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, con chất lượng cao, trong đó phải ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra nguồn giống cây, con, giúp nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng. Và việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thành phố mà còn cung cấp cho toàn vùng, cũng như xuất khẩu ra các nước khác trong khu vực.
CẦN CHÍNH SÁCH TỔNG THỂ, RÕ RÀNG
Tuy nhiên, muốn nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM phát triển, theo ông Hiệp cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã để song hành cùng các đơn vị nhà nước trong việc đầu tư nghiên cứu sản xuất, tạo ra nhiều giống chất lượng cao. Đồng thời, các đơn vị tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại hay tư vấn xây dựng dự án…
Hiện, thành phố có các chính sách hỗ trợ hoạt động liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đơn vị đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết được hỗ trợ cơ sở hạ tầng như kho bãi, trang thiết bị, tư vấn xây dựng dự án...
“Với đặc thù các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp được hỗ trợ lãi vay theo các dự án quan trọng của thành phố. Các hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại cũng được hỗ trợ về lãi vay để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi quy mô nhỏ và vừa”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, thành phố đang triển khai mô hình nông dân được xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, hình thức này tồn tại một số vướng mắc về thủ tục liên quan xây dựng, nguy cơ xảy ra biến tướng dẫn đến các công trình hoạt động trái phép. Sở đang phối hợp với các bên liên quan cố gắng tìm giải pháp khắc phục vấn đề này.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo Trang, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng khi rà soát tổng thể, vẫn còn nhiều khía cạnh, lĩnh vực này còn chưa có cơ chế, chính sách phù hợp. Ðể có thể tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, việc hoàn thiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này là một bước quan trọng.
Ngoài ra, TP.HCM cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực; khuyến khích nghiên cứu và phát triển; khuyến khích hợp tác công tư; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao...
Tính đến nay, TP.HCM có khoảng 700 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm hơn 0,3% trong tổng số khoảng 216.640 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trong số này, 2 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. TP.HCM có hơn 60 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, bảy doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiền ươm tạo, 27 doanh nghiệp giai đoạn ươm tạo chính thức và 27 doanh nghiệp đã tốt nghiệp.