Theo Bộ Y tế, hiện trong nước có trên 24.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, bảo đảm cung ứng đủ thuốc. Riêng từ 2023 đến hết 11 tháng năm nay, gần 15.000 giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp mới.
Trước tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số bệnh viện, tại một số thời điểm, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết nguyên nhân khách quan do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu, đặc biệt với một số thuốc có nhu cầu phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm.
Với trường hợp thiếu thuốc trong bệnh viện công là do một số cơ sở khám, chữa bệnh thiếu chủ động trong lập kế hoạch chuẩn bị thuốc; e dè trong việc lập kế hoạch, đấu thầu mua thuốc mặc dù các quy định về đấu thầu thuốc đã có đầy đủ hành lang pháp lý. Các địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc. Người bệnh phải tự mua thuốc do bệnh viện không mua sắm, chứ không thiếu nguồn cung.
Do đó, để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành và tham mưu ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn dược để các đơn vị áp dụng thực hiện.
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về bảo đảm cung ứng thuốc, đặc biệt là trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh; thường xuyên hoàn thiện và triển khai các thủ tục hành chính về dược.
Trong năm 2025, Bộ Y tế tiếp tục tham mưu Chính phủ sửa đổi nghị định hướng dẫn luật Dược để pháp quy hóa phương án đơn giản hóa, phân cấp thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trong đó, với các thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế cho phép cơ sở khám, chữa bệnh chủ động đứng ra nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt cho người bệnh của cơ sở, mà không phải phụ thuộc vào các cơ sở kinh doanh dược. Sẽ thí điểm phân cấp tại Sở Y tế TP.HCM giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt trên địa bàn, giảm tải cho cơ quan quản lý cấp Trung ương.
Đồng thời, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, theo dõi nguồn cung của các thuốc cũng được tăng cường để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập; phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP).
Sở Y tế TP.HCM cho biết theo báo cáo của HCDC và một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm, khoa nhi trên địa bàn Thành phố, thời gian qua đã liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp viêm phổi nhập viện.
Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị ca bệnh cúm A(H5) được chuyển từ tỉnh Long An. Trước diễn tiến bệnh qua đường hô hấp có chiều hướng khó lường, sở đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của sở về công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người và tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người.