Buổi tọa đàm giữa lãnh đạo TP.HCM với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài do Uỷ ban nhân dân TP.HCM tổ chức vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía các nhà đầu tư nước ngoài cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì tọa đàm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của Thành phố. Dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, TP.HCM tập trung vào phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân…
Đóng góp ý kiến với chính quyền Thành phố, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam James Ollen nói rằng TP.HCM cần nâng cao cải thiện môi trường đầu tư, trong đó cần ứng dụng chuyển đổ số trong hoạt động quản lý công. Điều này nhằm tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, quá trình phê duyệt nhanh chóng, tin cậy và nhất quán.
Ông James Olly cũng đề nghị chính quyền Thành phố cho phép các công ty hội viên của AmCham mở rộng những khoản đầu tư hiện có cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SBG), ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch SBG, nêu vướng mắc về thủ tục xin giấy phép cho thuê trang thiết bị đang gặp khó khăn khi thời gian chờ đợi mất đến 9 tháng, thậm chí cả năm. Thủ tục thu hút đầu tư cũng vậy, doanh nghiệp phải nộp rất nhiều giấy tờ, hồ sơ… Việc chấp nhận vốn điều chỉnh đầu tư mất nhiều thời gian để nộp hồ sơ.
Giải đáp những thắc của các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương TP.HCM giải thích là theo quy định hiện hành, Sở Công Thương TP.HCM có thời gian 10 ngày để thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp cho thuê trang thiết bị đồng thời phải lấy ý kiến Bộ Công Thương. Bộ này có 15 ngày làm việc để phản hồi cho Sở.
Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng thừa nhận là trong năm 2022 vừa qua, có tình trạng Bộ Công Thương phản hồi chậm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp,…
Ghi nhận sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và làm ăn tại TP.HCM trong thời gian qua, nhất là trong năm 2022, Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho rằng sự tương tác thực tế của các doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước sẽ là sự đóng góp ý kiến thực tế để Thành phố sửa đổi những bất cập trong hoạt động quản lý, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi bày tỏ tiếp thu các ý kiến đóng góp của hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài và cho biết thêm, trong tháng 3 này, Thành phố sẽ hoàn thành cuốn sổ tay để phát hành đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các quy định rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện, giám sát và có ý kiến.
“Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và giải quyết ngay những vướng mắc của doanh nghiệp. Trường hợp ý kiến cần có sự tham gia giải quyết liên ngành sẽ giải quyết và phúc đáp trong một tháng”, ông Mãi cho biết.
Đến nay, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD; trong đó vốn FDI chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hàng năm các các khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút hơn 260 triệu USD vốn FDI, chiếm 58% vốn FDI của TP.HCM trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Riêng trong tháng 01/ 2023, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 50 dự án đầu tư nước ngoài. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 1/2023, Thành phố đã thu hút được hơn 179 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 173,7% so với cùng kỳ năm 2022.