Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, TP.HCM là một trong những địa phương giải ngân thấp nhất.
Báo cáo kết quả cập nhật đến ngày 23/9, TP.HCM đã giải ngân được 10.877 tỷ đồng, tính trên tổng số 37.997 tỷ đồng chiếm 25%. Vốn ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%, tuy nhiên có các dự án lớn như Tham Lương - Bến Cát, Quốc lộ 50, An Phú với gần 1.700 tỷ đồng, cố gắng đến cuối năm sẽ hoàn thành. Chỉ có 2 dự án vốn vay nước ngoài là vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 và giao thông xanh thì khả năng không hết vốn kế hoạch năm, khoảng 600 tỷ đồng.
Về phần tính tỷ lệ, Thủ tướng giao cho thành phố lúc ban đầu là gần 52.000 tỷ đồng, sau này giao thêm bổ sung trong kế hoạch là 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành phố là đơn vị địa phương cân đối ngân sách nên với tỷ lệ điều tiết 21%, thành phố đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại bố trí chi đầu tư phát triển.
Thành phố cũng lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm, xác định các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đến giờ này cũng gỡ được rất nhiều, có nhiều dự án khả năng đến tháng 11, 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch, tuy nhiên hiện nay giải ngân bằng 0.
Năm nay theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM thì đến giờ này, cân đối lại nguồn thu thì chỉ đảm bảo được 42.508 tỷ đồng. Do đó, con số này thành phố cũng kiến nghị Chính phủ để có số tổng thống nhất và thành phố đề nghị tiếp tục xem xét giảm thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đưa ra các nguyên nhân.
Thứ nhất, đối với thành phố việc lập dự án, quản lý dự án, tức là liên quan đến trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư thì rất rõ. Các dự án của thành phố chuyển tiếp, trước đây tách phần giải phóng mặt bằng với phần xây lắp, sau này nhập lại thì điều chỉnh hồ sơ dự án mất rất nhiều thời gian. Các dự án điều chỉnh chưa xong thì các tháng đầu năm chưa giải ngân được nên thành phố đang tập trung.
Ngoài ra, thành phố đã thành lập các tổ chuyên ngành, chuyên đề để rà soát từng dự án với chủ đầu tư. Thành phố cũng lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm, xác định các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đến giờ này cũng gỡ được rất nhiều, có nhiều dự án khả năng đến tháng 11, 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch, tuy nhiên hiện nay giải ngân bằng 0.
Thứ hai, về giải phóng mặt bằng, đây luôn là vấn đề khó, thành phố luôn tập trung rất quyết liệt. Vừa qua thì có một số dự án tồn tại cả chục năm nay, đặc biệt là các dự án giao thông. Hiện nay, đã giải phóng xong mặt bằng và đang khởi động trở lại. Thành phố cũng lập tổ giải phóng mặt bằng cho các địa bàn, có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Dự kiến đến khoảng tháng 10 thành phố sẽ cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc giải phóng mặt bằng và giải phóng được trên 90% để phục vụ cho các dự án.
Bên cạnh đó, thành phố cũng gặp khó khăn về vấn đề giá cả, vật liệu xây dựng, nhân công ảnh hưởng cho các nhà thầu thi công. Thành phố đã gặp từng nhà thầu trong từng dự án để khẩn trương tháo gỡ khó khăn.
Đối với các dự án có vốn ODA, thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các nhà tài trợ để tiếp tục thực hiện. Thời gian sắp tới, thành phố sẽ tập trung vào trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án qua kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm.
Do đó, TP.HCM kiến nghị Chính phủ có sự thống nhất về số tổng, tức là vốn kế hoạch 2022, đề nghị thống nhất số tiền là 42.508 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị Thủ tướng sớm có quyết định thành lập tổ đôn đốn giải quyết những khó khăn cho thành phố, giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến đầu tư công và những nhiệm vụ khác.