Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM ngày 01/5/2023, trong 4 tháng đầu năm 2023, thành phố đã thu hút 1.384.421 khách quốc tế (tăng 1.106,7% so với cùng kỳ năm 2022) và 10.559.167 khách du lịch nội địa (tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng doanh thu 51.147 tỷ đồng (tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022).
KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG MẠNH
Đặc biệt, trong các ngày lễ năm nay: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (01/5), khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt, tăng 1,26 lần so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 420.000 lượt).
Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước khoảng 320.000 lượt, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 187.000 lượt). Riêng, khách quốc tế đến TPHCM ước khoảng 48.000 lượt tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 13.200 lượt).
Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 180.000 lượt, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 95.000 lượt). Công suất phòng ước đạt khoảng 70% - 75%, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 70%). Doanh thu ước đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 1.610 tỷ đồng).
HƠN 1.500 LƯỢT KHÁCH THĂM QUAN TRỤ SỞ UBND TP.HCM
Một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trọng đại của đất nước, bên cạnh 60 sản phẩm du lịch nội đô được các doanh nghiệp khai thác thút hút khách du lịch đến với thành phố, chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP.HCM là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức.
Sau 2 ngày tổ chức, Ban Tổ chức Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP.HCM đã đón tiếp hơn 1.500 lượt khách gồm người dân thành phố, du khách trong nước đến từ nhiều tỉnh thành xa như Hà Nội, Hà Giang... khách quốc tế, văn nghệ sĩ...
Nhiều người dân và du khách rất hào hứng về giá trị văn hoá - lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của tòa nhà hơn 100 năm tuổi và ủng hộ việc mở cửa trụ sở cho người dân và du khách tham quan.
Chương trình được đánh giá là một hoạt động có ý nghĩa thể hiện sự cởi mở của chính quyền TPHCM trong giai đoạn phát triển mới; khẳng định mong muốn gắn kết ngày càng chặt chẽ với nhân dân và luôn hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ của chính quyền TP.HCM.
Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là một công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ 20 với thiết kế mặt ngoài công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...
Bên trong toà nhà được trang trí đa dạng và cầu kỳ bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa, hầu hết các tường và trần được trang trí với những bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng... viền trần nhà được trang trí hoa văn kỷ hà, phù điêu hoa lá, hồi văn dây lá,... theo phong cách thời Louis XV.
Qua hơn 114 năm tồn tại, tòa nhà vẫn được bảo tồn nguyên nét ban đầu, bên trong có vài cải tạo, thay đổi nhỏ. Năm 2020, Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý chợ Bến Thành, trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương có khoảng 8.000 lượt khách đến chợ tham quan mua sắm. Riêng trong hai ngày 30/4 và 1/5 lượng khách đến chợ tăng cao với hơn 10.000 lượt, đặc biệt sáng ngày 30/4 rất nhiều du khách nữ mặc áo dài chụp ảnh kỉ niệm.
Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, lượng khách đến tham quan mua sắm tại chợ tăng khoảng 15% - 25%. Đáng chú ý thông thường lượng khách Việt Nam đến chợ chỉ chiếm 20% nhưng trong dịp lễ này tăng lên 30%. Đối với khách quốc tế, đa số là khách Ấn Độ chủ yếu đi theo tour, họ đến chợ tham quan và mua sắm chủ yếu là quần áo thời trang...