Trong báo cáo cập nhật ngành thuỷ sản, Chứng khoán BSC cho rằng ngành cá tra tại Việt Nam thường vận động theo chu kỳ, chu kỳ gần nhất 2017 – 2019. Sau khi chịu tác động bởi giai đoạn ngành đi xuống 2019 và hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi cung ứng đứt gãy 2020 – 2021, ngành cá tra bước vào chu kỳ tăng trong năm 2022.
BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với triển vọng ngành Thủy sản nhờ các yếu tố sau: Nhu cầu tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi Covid – 19 và Nguồn cung cá tra từ người dân cần có thời gian để mở rộng.
NHU CẦU TIÊU THỤ TẠI MỸ VÀ TRUNG QUỐC TĂNG
Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu khả quan trong năm 2022 nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Mỹ, Trung Quốc, EU,… đều đã có tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin khá cao trên 60% dân số, thậm chí, một số nước đã tiêm thêm mũi tăng cường. Việc tiêm vắc xin kỳ vọng duy trì mở cửa kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản khi hơn 60% sản lượng thủy sản được tiêu thụ qua kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn).
Tại thị trường Mỹ, khi số ca nhiễm duy trì ở mức nền thấp và tỷ lệ tiêm phòng cao, cuộc sống của người dân đã quen với việc sống chung với Covid – 19. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng trở lại trong khi mức tồn kho cá tra đã ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh đã khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra – đây cũng chính là nhân tố chính cho đà tăng mạnh của ngành cá tra từ Q4/2021 đến thời điểm hiện tại.
Trong quý 1 năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ ước tính đạt 153,3 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 26% so với quý liền kề trước đó. Sản lượng xuất khẩu đạt 33,4 nghìn tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3% so với quý liền kề. Giá bán trung bình đạt 4,580 USD/tấn, tăng 82% theo năm và 23% theo quý.
Mặc dù từ đầu năm 2022, sản lượng tồn kho cá da trơn thành phẩm tại Mỹ có tăng trở lại (+5% YoY) nhưng vẫn thấp hơn 8% so với mức đầu năm 2020 (tại thời điểm trước khi dịch bùng phát). Đồng thời, diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong ba năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ.
Tại thị trường Trung Quốc, việc chính phủ theo đuổi chính sách Zero – Covid vẫn sẽ là nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra vào thị trường này: phong tỏa thành phố làm giảm chi tiêu thủy sản tại các nhà hàng, thắt chặt khâu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại cảng,…
Tuy nhiên, BSC cho rằng Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.
Trong quý 1 năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ước tính đạt 164.7 triệu USD, +161% YoY và +4% QoQ. Sản lượng xuất khẩu đạt 64.96 nghìn tấn, +87% YoY và -4% QoQ. Giá bán trung bình đạt 2,530 USD/tấn, +74% YoY và +8%
QoQ.
Đáng chú ý, kể từ giữa tháng 3 năm 2022, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa các thành phố để ngăn chặn việc bùng phát dịch Covid – 19, đồng thời, tăng cường kiểm tra các lô hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 2 tuần sau khi Trung Quốc công bố việc phong tỏa thành phố chưa có dấu hiệu sụt giảm như dự đoán trước đó, cho thấy nhu cầu nhập khẩu vẫn cao tại thị trường này.
NGUỒN CUNG KHÔNG THEO KỊP, GIÁ BÁN TĂNG
Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung cá tra từ người dân cần có thời gian để mở rộng. Mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Tồn kho của cá tra tuy đã có cải thiện so với mức đáy tồn kho của tháng 9 năm 2021 nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây, đạt mức 138 nghìn tấn cá nguyên liệu (~ 110 nghìn tấn cá thành phẩm), tương đương với 1 tháng sản lượng xuất khẩu. Mức tồn kho thấp kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng cho giá bán khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.
Giá cá nguyên liệu và giá cá giống trong quý 1 năm 2022 tăng mạnh: giá cá giống tháng 3 quanh mức 47,000 VND/kg (+67% YoY), giá cá nguyên liệu tháng 3 đạt mức 32,000 VND/kg (+52% YoY). BSC cho rằng giá cá đầu vào đang phản ánh lại nhu cầu thu mua từ nhà máy khả quan khi đơn hàng xuất khẩu tốt trong khi nguồn cung chưa khôi phục kịp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc giá cá nguyên liệu ở mức cao (giá thành người dân sản xuất quanh mức 27.000 VND/kg) sẽ thúc đẩy việc người dân tăng thả cá làm tăng nguồn cung. BSC cho rằng nguồn cung cá tra sẽ tăng mạnh từ cuối quý 2 năm 2022.
Một số yếu tố khác hỗ trợ cổ phiếu ngành cá tra như các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga kỳ vọng sẽ tạo khoảng trống thị trường cho các quốc gia đối thủ. Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến tranh tại Ukraina kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam tại các thị trường Mỹ và EU.
Trung bình hàng năm, Nga xuất khẩu 4,5 – 5,8 tỷ USD kim ngạch thủy sản, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là sản phẩm cua Alaska, cá Minh thái,…
Bên cạnh đó, Mỹ công bố kết quả chính thức của thuế chống bán phá giá kỳ thứ 17 (POR 17). Nhìn chung, kết quả chính thức của kỳ POR 17 không có khác biệt nhiều so với kết quả sơ bộ. Đáng chú ý, trong khi CTCP Vĩnh Hoàn và Vạn Đức Tiền Giang đều đã xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn trước thì CTCP Nam Việt (ANV) là doanh nghiệp mới, chuẩn bị tham gia vào thị trường
này. Đại diện ANV cho biết công ty đang chuẩn bị các khâu bán hàng, logistics để có thể bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 8 năm 2022.